Lễ khai mạc Super Vietnam 2025 diễn ra tại Đà Nẵng chiều 4/6 đánh dấu lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ hàng trăm diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và tài chính toàn cầu. Phát biểu tại sự kiện, bà Mary Trần – CEO của Orochi Network – không giấu được xúc động khi gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo các bộ, ban, ngành đã tạo điều kiện cho hoạt động kết nối tầm khu vực này diễn ra tại Đà Nẵng.
Theo bà Mary Trần, Super Vietnam là nỗ lực lớn nhằm kết nối cộng đồng công nghệ, tài chính và đầu tư quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm đổi mới sáng tạo tại Đông Nam Á. Orochi chọn Đà Nẵng vì nhìn thấy tiềm năng, tầm nhìn và khát vọng của thành phố trong việc định vị vai trò mới trên bản đồ công nghệ khu vực. Bà kỳ vọng sự kiện sẽ đặt nền móng cho các mùa tiếp theo, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm hẹn thường niên của giới công nghệ toàn cầu.
Super Vietnam nỗ lực kết nối cộng đồng công nghệ, tài chính và đầu tư quốc tế
Trong phát biểu khai mạc, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - khẳng định Super Vietnam 2025 không chỉ là một hội nghị công nghệ mang tầm quốc tế mà còn là bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của địa phương. Theo ông, sự kiện diễn ra đúng thời điểm thành phố đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, xác định khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột phát triển. Mục tiêu của Đà Nẵng là trở thành trung tâm công nghệ số và tài chính thông minh, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cả về kinh tế và xã hội.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện Super Vietnam 2025. Ảnh: Giang Huy
Theo đại diện thành phố, đây là những lĩnh vực mũi nhọn trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện của Đà Nẵng. Các ứng dụng như thanh toán không tiền mặt, ví điện tử, nền tảng cho vay dựa trên blockchain đang tạo nên bước chuyển trong quản lý tài chính, chuỗi cung ứng và giao dịch điện tử.
Thành phố cũng đã và đang thúc đẩy các mô hình thử nghiệm như sandbox tài chính và khu thương mại tự do nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ triển khai sáng kiến trong môi trường cởi mở. Đây là những bước đi chiến lược hướng đến hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế, mở rộng không gian giao dịch xuyên biên giới, kết nối sâu rộng hơn với hệ sinh thái tài chính toàn cầu.

TS. Nguyễn Thanh Tuyên Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy
Một trong những điểm nhấn của Super Vietnam 2025 là cuộc thi Super Vietnam Pitchfest, nơi quy tụ hàng chục startup xuất sắc trong lĩnh vực Web3 và AI. Đây không chỉ là sân chơi cho cộng đồng khởi nghiệp công nghệ, mà còn là cầu nối quan trọng giúp các dự án tiếp cận nguồn vốn và nhà đầu tư chiến lược. Ban tổ chức kỳ vọng cuộc thi sẽ trở thành bệ phóng tạo nên làn sóng đổi mới sáng tạo, thu hút thêm các nhà sáng lập trẻ tìm đến và phát triển tại Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố bày tỏ mong muốn các thỏa thuận hợp tác ký kết tại Super Vietnam 2025 sẽ tạo cú hích mới cho kinh tế số địa phương, thúc đẩy dòng vốn và công nghệ quốc tế đổ về khu vực miền Trung.
Trong khuôn khổ sự kiện, Hội nghị Kết nối và phát triển công nghệ chuỗi khối và trí tuệ nhân tạo 2025 đã ghi nhận nhiều tham luận chiến lược về vai trò của công nghệ trong việc tái định hình mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Phát biểu tại hội nghị, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) – khẳng định AI và blockchain không chỉ là công nghệ, mà là nền tảng chiến lược giúp Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số.
AI và Blockchain đòn bẩy nâng tầm Đà Nẵng và quốc gia
Theo ông Tuyên, AI đang tạo đột phá trong các lĩnh vực như sản xuất, tài chính, logistics, y tế và quản trị công. Công nghệ này giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, đồng thời hỗ trợ chính phủ nâng cao chất lượng dịch vụ công và an sinh xã hội. AI được xem là trụ cột của chính phủ số, doanh nghiệp số và công dân số trong tương lai gần.
Cùng lúc, blockchain được đánh giá là công cụ giúp tăng tính minh bạch, chống tham nhũng, truy xuất nguồn gốc và tối ưu chuỗi cung ứng. Ông Tuyên nhận định blockchain không chỉ phục vụ tài chính mà còn mở ra không gian khởi nghiệp mới, nơi các doanh nghiệp sáng tạo có thể xây dựng các mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt.
Về mặt thể chế, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách như Nghị quyết 57, Chiến lược quốc gia về AI, Đề án phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Đặc biệt, Nghị định 182 thiết lập Quỹ Hỗ trợ Đầu tư cho doanh nghiệp AI, với mức tài trợ đến 50% chi phí đầu tư. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cũng đang được xây dựng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho sản phẩm và dịch vụ số.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận. Ảnh: Giang Huy
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu nằm trong top 4 ASEAN về AI, phát triển ít nhất 20 thương hiệu blockchain, xây dựng và vận hành ba trung tâm thử nghiệm công nghệ tại các đô thị lớn. Về đào tạo, chiến lược quốc gia đặt mục tiêu mỗi năm có 8.000 nhân lực chuyên sâu về AI, tích hợp nội dung dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong toàn bộ chương trình STEM tại các cấp học. "Đào tạo nhân lực là nền tảng để đi đường dài", ông Tuyên nhấn mạnh.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC cho rằng Đà Nẵng đang có những điều kiện đặc thù để phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế Số (DIFC) dựa trên nền tảng AI và blockchain. Theo ông, mục tiêu dài hạn của Việt Nam là trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào 2030 và tiến tới thịnh vượng vào 2045, trong đó đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chiến lược. Kinh tế số được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 20% GDP vào năm 2025 và có thể đạt 30% vào 2030.
Trong mô hình DIFC Đà Nẵng, AI giữ vai trò cốt lõi, hỗ trợ xây dựng khung pháp lý, cung cấp dịch vụ tài chính thông minh, chấm điểm tín dụng và phân tích hành vi người dùng. Blockchain đóng vai trò bảo mật, lưu trữ, minh bạch hóa giao dịch và quản lý danh tính số. Những nền tảng như robo-advisor, RippleNet, Civic hay Everledger sẽ tạo nên hệ sinh thái tài chính toàn diện và đáng tin cậy.

Ông Richard Dean McClellan, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành, RMAC Advisory, LLC. Ảnh: Giang Huy
CMC đề xuất lộ trình ba giai đoạn để xây dựng DIFC. Giai đoạn đầu là thiết lập hạ tầng số và khung pháp lý thử nghiệm eKYC, tài chính mở và điện toán đám mây. Giai đoạn hai triển khai thí điểm AI và blockchain trong tín dụng, bảo hiểm và hợp đồng thông minh. Giai đoạn ba mở rộng hợp tác với ngân hàng, quỹ đầu tư, fintech và chuyên gia quốc tế. "Đà Nẵng hoàn toàn có tiềm năng trở thành Thung lũng sáng tạo tài chính của Việt Nam," ông Chính khẳng định.
Ở góc độ ứng dụng và đào tạo, ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc FPT IS, Tập đoàn FPT cho biết AI đang là trụ cột trong chiến lược chuyển đổi số của FPT, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và công nghệ lõi. Ông chia sẻ kế hoạch đào tạo 50.000 nhân lực AI chất lượng cao và triển khai 500.000 khóa học phổ thông trên cả nước, bắt đầu tại Đà Nẵng. "Chúng tôi mong muốn biến Đà Nẵng thành trung tâm phát triển nhân tài và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI," ông nói.
Khép lại phiên thảo luận, tiến sĩ Võ Công Khôi, Học viện Chính trị khu vực III – nhấn mạnh vai trò của các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trong việc quản trị và phát triển công nghệ mới. Theo ông, cùng với việc xây dựng hành lang pháp lý, Việt Nam cần ưu tiên bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, đồng thời thiết lập cơ chế tài phán giải quyết tranh chấp trong môi trường số. Đây là những điều kiện cần thiết để Việt Nam bứt phá trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.
Trong khuôn khổ sự kiện, Orichi Network ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều đối tác chiến lược trong lĩnh vực hạ tầng số và giáo dục. Mục tiêu nhằm phát triển các công nghệ tiên tiến như bảo mật, mật mã học, hạ tầng dữ liệu, blockchain, đồng thời thúc đẩy đào tạo khởi nghiệp và đầu tư tại Việt Nam và quốc tế.
Các thỏa thuận hợp tác này góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng, kết nối giữa cơ sở đào tạo - doanh nghiệp - nhà cung cấp hạ tầng, từ đó thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn.

Ông Trần Anh Dũng, Nhà sáng lập, Giám đốc Công nghệ Orichi Network và ông Taka Shibayama, Giám đốc khu vực APAC của Ledger ký hợp tác. Ảnh: Giang Huy
Tuần lễ Công nghệ chuỗi khối và Trí tuệ nhân tạo Super Vietnam 2025 là sự kiện do Orochi Network phối hợp cùng FPT Online và DSAC đồng tổ chức, VnExpress là đơn vị bảo trợ truyền thông. Hội nghị diễn ra ngày 3-6/6 tại TP Đà Nẵng.
Thái Anh
Xem diễn biến chính