Thông tin được ông chia sẻ trong phát biểu khai mạc Chương trình Diễn đàn Hợp tác và Đối tác trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế Việt Nam - Hàn Quốc 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc chủ trì tổ chức tại Hà Nội sáng 9/6. Diễn đàn nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác phát triển chung nhằm trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số y tế của Việt Nam - Hàn Quốc, đồng thời triển lãm sản phẩm, kết nối doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này.
Theo Thứ trưởng Duy, sự phát triển của dữ liệu lớn đã tích hợp bài học lớn từ hàng triệu chuyên gia, nhà khoa học giúp việc nghiên cứu trở nên thuận lợi hơn. Mỗi chuyên gia sẽ chỉ có một bộ não thực hiện nghiên cứu đơn lẻ, nhưng nếu có sự hỗ trợ từ AI giúp tích hợp được kinh nghiệm, tích lũy ca bệnh, cách thức chữa bệnh từ nhiều bác sĩ chuyên gia từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc đã có khung hợp tác nhằm phát triển hệ thống ứng dụng AI. Ông kỳ vọng hai quốc gia hướng tới mục tiêu, ứng phó với thách thức các vấn đề sức khoẻ, đồng thời mong muốn các thảo luận, chia sẻ tại diễn đàn sẽ tạo tiền đề trao đổi ứng dụng, hợp tác thúc đẩy, nâng cao chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
Ông Park Yun Gyu, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc đánh giá cao sự hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong tiên phong thúc đẩy công nghệ số. Ông cho hay, trải qua đại dịch Covid-19 khiến tầm quan trọng của chuyển đổi số và công nghệ số thể hiện rõ nét trong lĩnh vực y tế. Thông qua diễn đàn, ông Park kỳ vọng hai quốc gia có thể cùng nhau chia sẻ tầm quan trọng của chuyển đổi số, ứng dụng góp phần thúc đẩy xây dựng tương lai sức khỏe cộng đồng.
Mô tả sự kiện sẽ là cái nhìn mới tương lai chuyển đổi số, ông cho biết phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển, đào tạo chuyên gia, doanh nghiệp trong chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. "Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương với Việt Nam trong xây dựng chính sách, thúc đẩy sáng kiến, hỗ trợ để các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tham gia vào thị trường Việt Nam thành công", ông Park nói.
Tại diễn đàn, nhiều ứng dụng phát triển AI trong y tế được các diễn giả là chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chia sẻ.
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết công nghệ hội chẩn từ xa Telehealth - nền tảng giúp tập hợp chẩn đoán số giữa nhiều bác sĩ, bệnh việc tham gia hội chẩn được đưa vào ứng dụng trên 250 bệnh viện trong cả nước, với hàng nghìn ca bệnh được điều trị. Theo PGS Hiếu, việc chẩn đoán bệnh và đọc kết quả từ xa đã tạo kết nối từng bệnh viện, với triển khai với hệ thống máy móc đơn giản đã phát huy lợi ích trong đại dịch.
Ông chia sẻ những nghiên cứu và phát triển mô hình AI cũng được ứng dụng trong chữa trị bệnh tiểu đường. Trong đó, phương pháp KT PoC Progress, chương trình AI Screening đã thử nghiệm trên 2.000 bệnh nhân. Việc sử dụng AI sẽ tự động hướng dẫn thu thập các thông số như tuổi, BMI, tiền sử bệnh, giúp các bác sĩ sàng lọc và hỗ trợ đưa ra kết quả cuối cùng. Kết quả điều trị trên một số bệnh nhân cho thấy hiệu quả quản lý huyết áp đạt 7 - 8%, đường máu 10% và giảm tỉ lệ nhập viện, biến chứng lên tới 1,5 - 4,3 lần nhờ sử dụng AI.
Còn Viện trưởng Viện nghiên cứu Viện Ung thư quốc gia Việt Nam, Trần Thị Thanh Hương cho biết, các phần mềm hỗ trợ chuẩn đoán AI và các thuật toán cũng được ứng dụng trong chăm sóc và điều trị ung thư tuyến giáp. Theo đó, từ nguồn dữ liệu tích hợp hình ảnh siêu âm, giải phẫu bệnh bằng kim nhỏ và kết quả phẫu thuật, sẽ phát triển mô hình AI nhằm hỗ trợ sàng lọc, xác định bệnh nhân có cần phẫu thuật hay không, dự báo đặc điểm khối u.
Phía Hàn Quốc, ông Cho Kyeong Sik, đại diện Lunit - doanh nghiệp AI "chinh phục ung thư thông qua trí tuệ nhân tạo" - giới thiệu giải pháp phân tích hình ảnh X-ray ứng dụng trong điều trị ung thư vú. Đây là giải pháp phân tích AI chụp nhũ ảnh giúp phát hiện các khối u ác tính với độ chính xác lên tới 96%.
Theo ông Cho, giải pháp ứng dụng công nghệ học sâu nhận dạng hình ảnh bằng cách đọc hơn 180.000 hình ảnh X-quang ngực chất lượng cao, qua đó phát hiện vùng nghi ngờ có tổn thương ác tính dưới dạng giá trị số để hỗ trợ chẩn đoán. Ngoài ra, giải pháp này còn được ứng dụng trong phát hiện bất thường của vùng ngực như ung thư phổi, viêm phổi, lao hay tràn khí màng phổi.
Đại diện Crescom, ông Lee Jae Jun chia sẻ giải pháp AI tự động đo lường hệ thống xương, được sử dụng cho chụp ảnh cơ xương khớp giúp phân tích tốc độ tăng trưởng nhanh hay chậm, dự báo trẻ có nguy cơ dậy thì sớm hay không. Theo đó, MediAI-BA (giải pháp phân tích tuổi xương bằng AI hybrid) sẽ đưa ra phân tích hình ảnh y tế trên các đốt xương bằng AI với kết quả chi tiết. AI phân loại mức độ trưởng thành của xương từng vùng trong khoảng 6s và cung cấp giá trị phân tích, hỗ trợ bác sĩ chuyên gia trong quá trình khám và chẩn đoán. Kết quả lâm sàng cho thấy khi sử dụng MediAI-BA, mô hình AI có độ chính xác cao gấp 2,5 lần. Hiện sản phẩm được sử dụng tại hơn 250 bệnh viện tại Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ chương trình còn có triển lãm 20 gian hàng trưng bày sản phẩm và thiết bị ứng dụng AI từ các doanh nghiệp Hàn Quốc với nhiều giải pháp AI trong chăm sóc đột quỵ, phát hiện tổn thương nhồi máu não, công nghệ nhận dạng da hay chẩn đoán rung giật nhãn cầu thông minh... Diễn đàn sẽ bế mạc vào ngày mai 10/6.
Như Quỳnh