Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 của WIPO công bố chiều 26/9 (giờ Hà Nội), Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia, tăng từ vị trí 46 vào năm 2023.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết năm 2024 Việt Nam có 3 chỉ số dẫn đầu thế giới gồm nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Trong đó, lần đầu tiên chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của nước ta đạt vị trí dẫn đầu. Theo Bộ trưởng, các chỉ số về đầu tư mạo hiểm đang có xu hướng phát triển tốt, số lượng thương vụ đầu tư mạo hiểm tăng lên vị trí 50/133 quốc gia, nền kinh tế, số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm tăng lên vị trí 44/133.
WIPO đánh giá Việt Nam là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình trong top 70 đã có những tiến bộ nhanh nhất về đổi mới sáng tạo trong hơn thập kỷ qua, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Morocco. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam). Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
"Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột về nguồn nhân lực và nghiên cứu", báo cáo nêu.
Cụ thể trụ cột cơ sở hạ tầng (xếp hạng 56, tăng 14 bậc từ vị trí 70 năm 2023); trình độ phát triển của thị trường (xếp hạng 43, tăng 6 bậc); trình độ phát triển của doanh nghiệp (xếp hạng 46, tăng 3 bậc); sản phẩm tri thức và công nghệ (xếp hạng 44, tăng 4 bậc).
Ngoài 3 chỉ số đứng đầu thế giới, báo cáo năm nay còn ghi nhận Việt Nam có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới gồm: tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3); số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải/tổng chi nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 9).
Trong video phát biểu tại Lễ công bố GII, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của các nước trong quá trình phát triển nhanh, bền vững.
"Việt Nam xác định lấy giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, trong đó đổi mới sáng tạo vừa là động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam cổ vũ đổi mới sáng tạo vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới và khu vực. Đổi mới sáng tạo cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong quá trình thúc đẩy tiến trình đổi mới sáng tạo. Do đó, Thủ tướng kêu gọi các nước phát triển, tiên tiến và có điều kiện hơn ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các nước đang phát triển, các nước nghèo, có điều kiện khó khăn hơn về xây dựng thể chế, về ưu đãi nguồn tài chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị thông minh.
Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia được WIPO phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện kể từ năm 2007. Năm nay, các bộ trưởng và giám đốc điều hành doanh nghiệp và chuyên gia đổi mới sáng tạo sẽ thảo luận về mở khóa tinh thần khởi nghiệp.
Qua 17 lần công bố, báo cáo GII giúp đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia và sự phát triển so với các nền kinh tế trong cùng khu vực hoặc nhóm thu nhập. Qua các chỉ số, mỗi quốc gia thấy được bức tranh toàn cảnh cũng như các điểm mạnh, điểm yếu từ đó có điều chỉnh về chiến lược chính sách kinh tế và đổi mới sáng tạo. Để xếp hạng các quốc gia sẽ dựa vào 81 chỉ số, tính bằng giá trị trung bình thuộc hai bảng chỉ số phụ đầu vào và đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 7 trụ cột: Thể chế vĩ mô; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; thị trường và môi trường kinh doanh; trình độ phát triển của thị trường; tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.
Tại Việt Nam, Chính phủ sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lý điều hành quan trọng. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và vào cuộc của các bộ ngành trong việc chủ động phát hiện nguyên nhân, hạn chế, từ đó có kế hoạch, giải pháp điều chỉnh chính sách góp phần cải thiện các chỉ số thành phần.
Như Quỳnh