-
PII là gì?
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (viết tắt là PII - Provincial Innovation Index) được xây dựng nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển KT-XH dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) của từng địa phương, qua đó cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST của từng địa phương. Dựa trên bộ chỉ số, các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo của địa phương có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển KT-XH của địa phương mình dựa trên KH,CN&ĐMST.
-
Bộ chỉ số PII được áp dụng từ bao giờ?
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) được thực hiện trên toàn quốc từ 1/1/2023
-
Bộ chỉ số PII ra đời như thế nào?
"Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) đến năm 2030... đã khẳng định đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Tuy nhiên, do chưa có các mô tả định lượng để giúp hình dung và cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, việc phải có một bộ chỉ số mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) dựa trên KHCN & ĐMST là cần thiết. Qua đó, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn về điểm mạnh, yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần, giúp các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển KT-XH dựa trên KHCN & ĐMST ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.
Ở cấp quốc gia, từ năm 2017, Chính phủ đã sử dụng bộ chỉ số ĐMST toàn cầu GII do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố hàng năm. Qua đó xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia, từ đó đưa ra các giải pháp cải thiện phù hợp, cũng như kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách có liên quan.
Tại Nghị quyết hàng năm, Chính phủ phân đã công cụ thể đến từng bộ, ngành chủ trì theo dõi và cải thiện các chỉ số Việt Nam còn yếu kém, đồng thời giao Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối điều phối, theo dõi chung.
Những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Việt Nam liên tục được tổ chức WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập. Trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia thu nhập trung bình thấp được tổ chức WIPO ghi nhận có tốc độ bắt kịp về ĐMST nhanh nhất. Tuy nhiên, ở cấp địa phương, nhiều nơi còn lúng túng trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia. Một trong những lý do là chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia nên nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương không có. Ngoài ra, phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ nên có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam.
Với sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô KT-XH, dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển..., các địa phương cần phải lựa chọn mô hình phát triển KT-XH dựa trên KHCN & ĐMST khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có của địa phương mình. Do đó, nhiều địa phương kiến nghị cần có bộ chỉ số ĐMST riêng, căn cứ vào đó có thể chỉ đạo, điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.
Từ yêu cầu thực tiễn này, tháng 11/2021, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã tới thăm và làm việc với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trao đổi và đề nghị WIPO hỗ trợ Việt Nam về ĐMST. Tổng giám đốc WIPO đã cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng PII trên nền tảng bộ chỉ số GII.
Tại phiên họp đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/01/2022, giao: “Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương, WIPO và các tổ chức liên quan xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương và tổ chức đánh giá thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực ĐMST và kết quả ĐMST của từng địa phương, đồng bộ với chỉ số ĐMST toàn cầu GII của Việt Nam”.
Sau khi có kết quả thử nghiệm, từ năm 2023, việc xây dựng bộ chỉ số được triển khai trên toàn quốc.
-
Vì sao cần xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương?
Bộ chỉ số PII có ý nghĩa quan trọng, trong đó:
Đối với chính quyền các cấp
- Cung cấp các căn cứ về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN & ĐMST của từng địa phương.
- Làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KHCN & ĐMST ở địa phương.
- Thúc đẩy thực hiện các sáng kiến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương dựa trên KHCN & ĐMST, tận dụng các thế mạnh và vượt qua các thách thức.
- Cung cấp công cụ và kĩ thuật cho phép đánh giá, so sánh năng lực, kết quả hoạt động KHCN & ĐMST giữa các địa phương cũng như chất lượng điều hành, quản lí nhà nước về KHCN & ĐMST của từng địa phương.
- Góp phần nâng cao năng lực và kết quả hoạt động KHCN & ĐMST quốc gia; góp phần thực hiện và theo dõi, đánh giá việc thực hiện Chiến lược KHCN & ĐMST đến năm 2030, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững.
Đối với nhà đầu tư
Kết quả đánh giá PII của địa phương là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp có các quyết định phù hợp.
Đối với khu vực nghiên cứu
Bộ chỉ số PII cung cấp cơ sở dữ liệu toàn diện với hệ thống các chỉ tiêu đánh giá, có thể so sánh được qua thời gian và thúc đẩy các nghiên cứu khác.
Đối với cộng đồng các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ
Là cơ sở để xem xét, cân nhắc các tài trợ và hoạt động có liên quan tại các địa phương ở Việt Nam.
Các bước xây dựng PII
1. Xây dựng khung lý thuyết
2. Lựa chọn dữ liệu
3. Xử lý dữ liệu bị thiếu
4. Phân tích đa biến
5. Quy chuẩn số liệu
6. Trọng số và tổng hợp
7. Phân tích độ không chắc chắn và độ nhạy của dữ liệu
8. Xem xét lại dữ liệu
9. Xem xét tương quan với các bộ chỉ số khác
10. Báo cáo kết quả
PII được xây dựng dựa trên các chỉ số nào?
Khung chỉ số chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2023 đã được thiết kế với hai nhóm Đầu vào ĐMST và Đầu ra ĐMST với tổng cộng 52 chỉ số thành phần.
Đầu vào ĐMST bao gồm 05 trụ cột:
- Trụ cột 1. Thể chế
- Trụ cột 2. Vốn con người và nghiên cứu
- Trụ cột 3. Cơ sở hạ tầng
- Trụ cột 4. Trình độ phát triển của thị trường
- Trụ cột 5. Trình độ phát triển của doanh nghiệp
Đầu ra ĐMST bao gồm 02 trụ cột:
- Trụ cột 6. Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ
- Trụ cột 7. Tác động
-
PII do tổ chức nào xây dựng?
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức WIPO, trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm xây dựng các bộ chỉ số cấp địa phương đã có trong nước (chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia PCI, chỉ số Cải cách hành chính PAR, chỉ số Chuyển đổi số DTI…) và kinh nghiệm nước ngoài (trên thế giới mới chỉ có một số quốc gia xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương như Trung Quốc, Ấn Độ, Columbia, Mỹ... trong đó, Ấn Độ và Columbia cũng dựa trên bộ chỉ số ĐMST toàn cầu GII của WIPO), Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng bộ chỉ số cấp địa phương theo 10 bước như hướng dẫn của OECD cho xây dựng bộ chỉ số tổng hợp, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam.
Giai đoạn thiết kế khung chỉ số và các chỉ số thành phần có sự tham gia cố vấn kỹ thuật của tổ chức WIPO, sự phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm của các Bộ, cơ quan đã xây dựng thành công các chỉ số cấp địa phương tại Việt Nam. Chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO chỉ định cũng tiến hành đánh giá độc lập bộ chỉ số PII.
-
Cách tiếp cận của bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương?
Bộ chỉ số đánh giá hoạt động ĐMST cấp địa phương được xây dựng theo hướng tiếp cận khung lý thuyết về hệ thống ĐMST vùng.
Chỉ số PII tiếp cận hệ thống ĐMST chú trọng đến việc khai thông, tăng cường tương tác giữa các thực thể, phát triển những thể chế hỗ trợ cho tương tác học hỏi, phát triển môi trường thuận lợi cho ĐMST, tăng khả năng ứng phó, đáp ứng của hệ thống trước những cơ hội, hay thay đổi. Nếu hệ thống ĐMST quốc gia gồm những tổ chức, thể chế có tầm ảnh hưởng vĩ mô tới các thực thể trong phạm vi biên giới quốc gia, hệ thống ĐMST vùng chú trọng tương tác của các thực thể trong một vùng không gian địa lý với sự tập trung các doanh nghiệp cùng ngành, các cụm doanh nghiệp và những tổ chức hỗ trợ liên quan, những thể chế, tập quán mang tính địa phương, khu vực.
Cách tiếp cận của GII cũng theo hệ thống ĐMST (cấp quốc gia) và đánh giá, đo lường các quốc gia có đặc điểm, quy mô đa đạng. Do đó, bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương đã áp dụng theo khung lý thuyết của chỉ số GII với các điều chỉnh phù hợp theo hệ thống ĐMST cấp vùng để phù hợp với yêu cầu, mục đích và đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam. Bộ chỉ số GII đánh giá toàn diện về hệ thống ĐMST. Nếu xem xét ĐMST với quy mô toàn cầu, có thể coi các quốc gia trên toàn thế giới đa dạng về địa lí, đặc điểm KT-XH, văn hóa… tương tự những khác biệt, đa dạng của các địa phương trên một quốc gia.
Bộ chỉ số GII hiện rất phổ biến, được nhiều quốc gia tham khảo, sử dụng. Đặc biệt, bộ chỉ số đã được Chính phủ Việt Nam sử dụng trong quản lí, điều hành từ năm 2017 đến nay. Do đó việc học hỏi, sử dụng bộ chỉ số GII làm cơ sở/nền tảng để thiết kế bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương có nhiều thuận lợi. Ngoài ra, nhiều kinh nghiệm nước ngoài trong xây dựng chỉ số ĐMST cấp vùng/cấp địa phương đã được thu thập và tham khảo, trong đó có kinh nghiệm của Ấn Độ, Columbia là những nước cũng áp dụng bộ chỉ số GII để xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương.
-
Chính quyền các tỉnh, thành phố có thể sử dụng chỉ số PII trong hoạt động chỉ đạo, điều hành thế nào?
Thông qua các căn cứ về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện thúc đẩy ĐMST của từng địa phương, các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo của địa phương có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
-
Chỉ số PII gồm những chỉ số thành phần nào?
Về cấu trúc, bộ chỉ số PII được thiết kế với hai nhóm Đầu vào ĐMST (gồm 5 trụ cột) và Đầu ra ĐMST (gồm 2 trụ cột) với tổng cộng 52 chỉ số thành phần. Mỗi trụ cột PII được cấu thành từ 2-3 nhóm chỉ số, mỗi nhóm chỉ số có từ 2-5 chỉ số thành phần (điều chỉnh theo từng năm).
Cụ thể:
Nhóm chỉ số đầu vào ĐMST:
+Trụ cột 1 Thể chế gồm 2 nhóm chỉ số (Môi trường chính sách: có 3 chỉ số thành phần, Môi trường kinh doanh: có 04 chỉ số thành phần[1].
+ Trụ cột 2 Vốn con người với 2 nhóm chỉ số (Giáo dục: có 4 chỉ số thành phần; Nghiên cứu và phát triển: có 3 chỉ số thành phần)
+ Trụ cột 3 Cơ sở hạ tầng: có 2 nhóm chỉ số (Hạ tầng công nghệ thông tin (ICT): có 2 chỉ số thành phần; Cơ sở hạ tầng chung có 3 chỉ số thành phần.
+ Trụ cột 4 Trình độ phát triển của thị trường (Tài chính và đầu tư: có 3 chỉ số thành phần; Dịch vụ hỗ trợ: có 2 chỉ số thành phần.
+ Trụ cột 5. Trình độ phát triển của doanh nghiệp với 3 nhóm chỉ số (Lao động có kiến thức: có 3 chỉ số thành phần; Liên kết sáng tạo: có 3 chỉ số thành phần; Hấp thu tri thức: có 5 chỉ số thành phần.
Nhóm chỉ số đầu ra ĐMST:
+ Trụ cột 6. Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ có 3 nhóm chỉ số (Sáng tạo tri thức: có 3 chỉ số thành phần; Tài sản vô hình: có 3 chỉ số thành phần; Lan tỏa tri thức: có 4 chỉ số thành phần)
+ Trụ cột 7 Tác động với 2 nhóm chỉ số (Tác động đến sản xuất – kinh doanh: có 2 chỉ số thành phần; Tác động đến kinh tế - xã hội: có 4 chỉ số thành phần).
-
Trọng số của chỉ số PII?
Giống như GII, PII 2023 cũng sử dụng trong số bình quân đối với mỗi mức (level của chỉ số). Điều này nghĩa là các chỉ số thành phần trong một nhóm chỉ số sẽ có trọng số giống nhau. Trọng số của nhóm chỉ số sẽ là tổng trọng số của các chỉ số thành phần và tương tự, trọng số của trụ cột sẽ bằng tổng trọng số của các nhóm chỉ số trong nó… Cuối cùng, tổng trọng số của PII 2023 sẽ bằng trọng số của chỉ số đầu vào và đầu ra ĐMST (0.5) và bằng 1.
-
Chỉ số PII sử dụng những dữ liệu nào?
Nguồn dữ liệu để xây dựng bộ chỉ số đánh giá ĐMST cấp địa phương được thu thập dựa trên số liệu từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lí chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác (bộ chỉ số Cải cách hành chính, bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, bộ chỉ số Chuyển đổi số, bộ chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh).
Cơ cấu nguồn dữ liệu như sau:
- Từ các báo cáo, số liệu thống kê của các cơ quan trung ương: 35% (18 chỉ số)
- Từ các bộ chỉ số khác: 20% (10 chỉ số).
- Từ dữ liệu quản lí nhà nước của Bộ KH&CN: 20% (10 chỉ số)
- Từ số liệu do địa phương cung cấp: 25% (13 chỉ số).
-
Mục đích xây dựng chỉ số PII là gì?
-Với chính quyền các cấp, bộ:
+ Cung cấp các căn cứ về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KHCN&ĐMST của từng địa phương;
+ Làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KHCN&ĐMST ở địa phương;
+ Thúc đẩy thực hiện các sáng kiến phát triển KT-XH ở địa phương dựa trên KHCN&ĐMST, tận dụng các thế mạnh và vượt qua các thách thức.
+ Cung cấp công cụ và kĩ thuật cho phép đánh giá, so sánh năng lực, kết quả hoạt động KHCN&ĐMST giữa các địa phương cũng như chất lượng điều hành, quản lí nhà nước về KHCN&ĐMST của từng địa phương.
+ Góp phần nâng cao năng lực và kết quả hoạt động KHCN&ĐMST quốc gia; đặc biệt là góp phần thực hiện và theo dõi, đánh giá việc thực hiện Chiến lược KHCN&ĐMST đến năm 2030, Chiến lược phát triển KT-XH đến năm 2030, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững...
- Đối với nhà đầu tư, kết quả đánh giá PII của địa phương sẽ là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương cho nhà đầu tư, doanh nghiệp để có các quyết định đầu tư phù hợp.
- Đối với khu vực nghiên cứu, bộ chỉ số PII cung cấp cơ sở dữ liệu toàn diện với hệ thống các chỉ tiêu đánh giá, có thể so sánh được qua thời gian và thúc đẩy các nghiên cứu khác.
- Bộ chỉ số PII cũng có ý nghĩa đối với cộng đồng các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ để xem xét, cân nhắc các tài trợ và hoạt động có liên quan tại các địa phương ở Việt Nam.
-
Những đơn vị nào xây dựng và công bố chỉ số PII?
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) năm 2023 do Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và công bố. Báo VnExpress là đơn vị chủ trì xây dựng chuyên trang về Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương và truyền thông về hoạt động đổi mới sáng tạo thường niên.
Trong giai đoạn thiết kế khung chỉ số và các chỉ số thành phần, sự tham gia cố vấn kỹ thuật tích cực của tổ chức WIPO, sự phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm của các Bộ, cơ quan đã xây dựng thành công các chỉ số cấp địa phương tại Việt Nam, sự tham gia đóng góp ý kiến của các địa phương đã giúp cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và hoàn thiện được khung chỉ số và các chỉ số thành phần.
-
Quy trình thực hiện chỉ số PII như thế nào?
Quy trình xây dựng PII gồm 10 bước:
1. Xây dựng khung lý thuyết
2. Lựa chọn dữ liệu
3. Xử lý dữ liệu bị thiếu
4. Phân tích đa biến
5. Quy chuẩn số liệu
6. Trọng số và tổng hợp
7. Phân tích độ không chắc chắn và độ nhạy của dữ liệu
8. Xem xét lại dữ liệu
9. Xem xét tương quan với các bộ chỉ số khác
10. Báo cáo kết quả
-
Dữ liệu đầu vào của bộ chỉ số PII được thực hiện qua các bước nào?
Quy trình xử lý dữ liệu và tính toán gồm 2 bước:
Bước 1: Làm sạch, đánh giá sơ bộ dữ liệu trước khi tính toán
- Dữ liệu thô được thu thập thông qua nền tảng thu thập dữ liệu trực tuyến Kobotoolbox và được sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu đưa vào phần mềm phân tích & tính toán dữ liệu R Studio & COINr package (đây cũng là công cụ được WIPO áp dụng để tính toán GII tương tự nhiều chỉ số quốc tế khác), có thể dễ dàng lặp lại để kiểm tra các bước xử lí, tính toán, đảm bảo tính minh bạch.
- Tiếp đến, nhóm kỹ thuật của đề tài tiến hành làm sạch dữ liệu sơ bộ theo kết quả kiểm tra và thẩm định dữ liệu. Sau đó tiến hành kiểm tra mức độ khả dụng của dữ liệu: dữ liệu được phân tích về mức độ khả dụng với mức 66% đối với mỗi chỉ số (giống GII) và 70% đối với mỗi địa phương để có thể được đưa vào tính toán. Các chỉ số và địa phương đều đáp ứng điều kiện này
- Đến đây, về cơ bản dữ liệu đã được xứ lý sơ bộ, sẵn sàng cho các bước xử lý tiếp theo để tính toán giá trị các chỉ số thành phần, chuẩn hóa thang đo, từ đó tính toán chỉ số tổng hợp PII để có căn cứ xếp hạng
Bước 2: Xử lý dữ liệu, tính toán giá trị chỉ số thành phần và chỉ số tổng hợp PII
- Các kĩ thuật tính toán được áp dụng để đảm bảo bộ chỉ số phù hợp, đo lường được đúng đối tượng, đạt được mục tiêu đề ra. Các kĩ thuật bao gồm việc xử lí các trường hợp bị thiếu dữ liệu; thực hiện phân tích đa biến để kiểm định mối quan hệ tương quan giữa các chỉ số được lựa chọn, đánh giá sự phù hợp của dữ liệu; quy chuẩn dữ liệu để đảm bảo so sánh được... Kĩ thuật tính toán, phân tích của GII tiếp tục được học hỏi, áp dụng đối với chỉ số ĐMST cấp địa phương.
- Kết quả đánh giá xếp hạng các quốc gia sau khi được WIPO tính toán còn phải được một tổ chức quốc tế độc lập kiểm tra, kiểm toán mới được công bố chính thức.
-
PII được tính toán như thế nào?
Điểm số tổng hợp của PII 2023 sẽ được dùng để xếp hạng các địa phương. Do PII 2023 sử dụng trọng số bình quân giữa các chỉ số thành phần trong 01 nhóm chỉ số, giữa các nhóm chỉ số trong 1 trụ cột, Điểm số của các nhóm chỉ số sẽ bằng trung bình cộng điểm số của các chỉ số thành phần của nó, điểm số của trụ cột sẽ bằng trung bình cộng điểm số của các nhóm trụ cột trong nó.
-
Ai có thể sử dụng PII?
Các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo của địa phương có thể sử dụng Bộ chỉ số PII ltrong việc lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển KT-XH của địa phương dựa trên KH,CN&ĐMST. Bên cạnh đó chỉ số PII sẽ là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương cho nhà đầu tư, doanh nghiệp để có các quyết định đầu tư phù hợp. Đối với khu vực nghiên cứu, bộ chỉ số PII cung cấp cơ sở dữ liệu toàn diện với hệ thống các chỉ tiêu đánh giá, có thể so sánh được qua thời gian và thúc đẩy các nghiên cứu khác. Bộ chỉ số PII cũng có ý nghĩa đối với cộng đồng các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ để xem xét, cân nhắc các tài trợ và hoạt động có liên quan tại các địa phương ở Việt Nam.
-
PII sẽ có những tác động nào?
- Bộ chỉ số mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) dựa trên KHCN & ĐMST, qua đó cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết, giúp cho các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.
- Chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO chỉ định đã tiến hành đánh giá độc lập bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương của Việt Nam. Kết quả đánh giá của chuyên gia quốc tế cho thấy khung chỉ số và các chỉ số thành phần được thiết kế phù hợp, phản ánh được hiện trạng của đối tượng được đo lường; các bước xử lí dữ liệu, tính toán điểm số và thứ hạng đều được thực hiện đầy đủ, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy. Kết quả thử nghiệm cho thấy bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương đủ mạnh để đưa ra những kết luận hữu ích. Kết quả đánh giá cũng cho thấy còn một vài chỉ số cần được xem xét khi triển khai trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới. Việc rà soát, xem xét, tinh chỉnh các chỉ số hằng năm để phù hợp với bối cảnh và mục tiêu cũng là thông lệ chung trong xây dựng các chỉ số tổng hợp.