Chia sẻ trong Hội thảo "Sứ mệnh chuyển đổi số", diễn ra tại TP HCM hôm 28/4, ông Nguyễn Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất Động Sản Việt Nam (VREC) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP DT24.VN khẳng định tất cả doanh nghiệp muốn tồn tại đều phải tính đến bài toán chuyển đổi số chứ không chỉ ngành bất động sản. "Chuyển đổi số sẽ như một phần tất yếu của lịch sử, không thể cản lại. Những doanh nghiệp đứng ngoài cuộc hoặc không chuyển đổi số sẽ bị bỏ lại và phải chấp nhận bị đào thải", ông Đặng Văn Thành nhận định.
Chia sẻ với ý kiến của ông Bảo, Chủ tịch Tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình cho rằng trong tất cả lĩnh vực, bất động sản là lĩnh vực khó và tốn kém nhất khi chuyển đổi số. "Trước đây các nền tảng chuyển đổi số cho bất động sản thường rất đắt, được phục vụ bởi các công ty Singapore. Nhưng giờ đây, FPT đã làm ra những công cụ cho hiệu quả tương đương nhưng giá thành rất phải chăng, mọi doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ đều có thể tiếp cận được", ông Trương Gia Bình khẳng định.
Lãnh đạo FPT cho rằng một gói chuyển đổi số chỉ có giá trị tương đương một căn hộ nhưng có thể tạo ra muôn vàn giá trị, tiết kiệm khoản tài chính khổng lồ. Nhưng rào càn đầu tiên của chuyển đổi số trong bất động sản chính là chuyển đổi tư duy, quyết tâm làm và muốn làm. Còn lại vấn đề kỹ thuật, phần mềm chỉ là chuyện đơn giản vì các kỹ sư người Việt đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật.
Chia sẻ rõ hơn về công cụ chuyển đổi số cho ngành bất động sản, ông Đinh Hữu Hùng - Phó giám đốc khối ngành dịch vụ ERP HCM, công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT, cho rằng ngành bất động sản của Việt Nam vô cùng đặc thù so với nước ngoài. Từ khâu đánh giá khả thi đến thiết kế, xây dựng, bàn giao đều rất phức tạp. Các doanh nghiệp nếu chờ từng bước hoàn thành để đi tuần tự sẽ khiến dự án bị kéo dài. Chủ đầu tư khó làm chủ được tiến độ, chất lượng, giá thành của dự án.
Hơn nữa, những doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn có thể vận hành cùng lúc nhiều dự án. Bài toán đặt ra lúc này cho người lãnh đạo là làm sao quản lý, tốc độ dự án, nguồn vốn, quản lý hàng nghìn căn hộ, dự báo được chi phí nếu có bất kỳ thay đổi nào trong khâu vận hành, xây dựng... Nếu thực hiện từng khâu riêng lẻ sẽ tốn rất nhiều chi phí, thời gian, nhưng chưa chắc đã hiệu quả. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp cần một nền tảng chuyển đổi số thông minh, cho phép lãnh đạo có thể tính toán được ngay giá trị lợi nhuận của dự án ngay từ khâu lên ý tưởng cho đến thiết kế, xây dựng, bàn giao.
Bằng cách hệ thống dữ liệu, cập nhật chi tiết đơn giá từng nguyên vật liệu, chi phí nhân công, hiệu suất công việc theo thời gian thực, nền tảng chuyển đổi số có thể phác thảo cho lãnh đạo doanh nghiệp thấy bài toán chi tiết về tổng thể, tính toán chi tiết từng con số theo thời gian thực.
Khẳng định về sức mạnh của chuyển đổi số với doanh nghiệp, ông Đặng Văn Thành, lãnh đạo của TTC Group, Chủ tịch Câu lạc bộ Thương hiệu Việt, cho rằng trong kỷ nguyên 4.0, khi tất cả đều được số hóa, doanh nghiệp cũng buộc phải chuyển đổi nếu muốn tồn tại. "Trong cuộc chơi vươn ra biển lớn, với xu thế hội nhập sâu rộng. Thách thức của doanh nghiệp không chỉ là làm ra được sản phẩm tốt mà còn phải dự báo được nhu cầu thị trường để cân bằng được giữa cung và cầu. Để nắm bắt chính xác nhất nhu cầu ấy, không thể dựa vào tư duy cảm tính mà phải tính toán trên con số, bằng những công cụ chuyển đổi số, đó là vấn đề mấu chốt để doanh nghiệp tồn tại".
Theo nhận định của IDC, đầu tư vào chuyển đổi số trực tiếp vẫn đang không ngừng tăng trong giai đoạn 2020 - 2023, dự kiến đạt 6.800 tỷ USD khi nhiều công ty đang tận dụng công nghệ để trở thành doanh nghiệp số tương lai.
IDC dự báo, tới năm 2022, 65% GDP toàn cầu sẽ đến từ số hóa. Cuối năm 2022, 70% các tổ chức và doanh nghiệp sẽ tăng tốc chuyển đổi số, nhằm chuyển đổi quy trình hoạt động hiện tại để tăng cường tương tác với khách hàng, cải thiện năng suất lao động và nâng cao năng lực phục hồi của doanh nghiệp.
Khương Nha