Tài khoản AiTelly hôm 1/7 đăng lên YouTube video dài hơn 6 phút mô phỏng quá trình tàu lặn Titan bị nghiền nát dưới đáy Đại Tây Dương hồi tháng 6. Video nhanh chóng thu hút sự chú ý khi nhận về hơn 12 triệu lượt xem, hơn 61.000 lượt thích và hàng nghìn bình luận tính tới ngày 15/7.
Đội ngũ của AiTelly lấy thông tin từ Google và trang web của OceanGate, công ty vận hành tàu lặn Titan, để dựng video. Nhóm sản xuất đã dành 12 giờ để dựng lại cảnh 3D mô phỏng quá trình tàu Titan bị nghiền nát.
Video giải thích cho người xem quá trình tàu Titan bị co sập từ bên trong, khi con tàu chịu áp suất gấp khoảng 400 lần so với áp suất khí quyển, ở độ sâu 3.800 m.
Video mô phỏng nhấn vào thiết kế phần vỏ hình trụ làm bằng sợi carbon của tàu Titan, được coi là nguyên nhân khiến con tàu bị nghiền nát. Tàu Titan được thiết kế bằng chủ yếu bằng sợi carbon thay vì vật liệu như thép và nhôm có tính chịu lực cao hơn của tàu lặn truyền thống.
Đặng Nhật Minh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm về Thiết kế Bề mặt Vật liệu Cao cấp thuộc Hội đồng Nghiên cứu Australia (ARC SEAM), trụ sở tại Đại học Công nghệ Swinburne ở thành phố Melbourne, Australia, cho biết công nghệ này trộn sợi carbon cùng keo resin để dán lên bề mặt vật liệu cần bao bọc. Quá trình dán phủ này được tạo từ từng lớp chồng lớp lên nhau, tương tự dán từng lớp giấy có phết sẵn keo.
Do đó, cấu trúc thân tàu Titan sẽ không phải dạng tấm nguyên khối nguyên chất, mà sẽ là dạng composite của sợi carbon với resin. Công ty OceanGate đã sử dụng tên gọi "carbon fibre composite" (composite sợi carbon) cho vật liệu này trong bằng sáng chế được cấp năm 2021.
Vì là dạng composite, trong cấu trúc sợi carbon này sẽ có nhiều khoảng trống hiển vi mà keo resin không thể lấp đầy. OceanGate cho biết tỷ lệ trống là dưới 1%, nhưng con số này không được minh định cụ thể. Sự khác biệt giữa tỷ lệ khoảng trống 0,99% và 0,0000000000001% có thể ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ khung cấu trúc cũng như tốc độ vỡ vụn của vật liệu.
Sợi carbon nổi tiếng với sức bền, nhưng đó không phải là sức bền nén, yếu tố then chốt để chịu áp lực dưới đáy đại dương, mà là bền kéo để giữ cho khung không bị căng đứt ra.
Sợi carbon composite rạn chậm hơn so với nguyên chất, khiến quá trình nứt vỡ diễn ra từ từ, điểm rạn cấu trúc quá nhỏ nên không thể phát hiện từ bên ngoài. Tốc độ vỡ trong cùng một lớp sợi carbon sẽ nhanh hơn từ lớp này sang lớp kia, nên vết rạn sẽ lớn dần, cho đến lúc làm cấu trúc mặt trong cùng cực kỳ yếu.
Khi hội tụ đủ điều kiện, chỉ cần một va chạm nhẹ, một cú huých trượt với bất kỳ vật thể gì dưới đáy dại dương, cũng đủ gây ra vụ co sụp kinh hoàng với tàu lặn Titan, cướp đi sinh mạng của 5 người trong tàu.
Nhiều chuyên gia thám hiểm và tàu lặn cũng đã đưa ra các nhận định về khoảnh khắc cuối cùng trên tàu Titan. Một trong số đó là chuyên gia Jose Luis Martin từ Tây Ban Nha, với suy đoán rằng các thành viên trên tàu Titan có thể biết điều gì sẽ ập đến trong 48 giây trước khi con tàu bị nghiền nát.
Titan mất liên lạc với tàu mẹ ngày 18/6 trong hành trình chở 5 người xuống tham quan xác tàu Titanic ở độ sâu 3.800 m. Các nạn nhân được cho là đã chết ngay lập tức khi tàu bị ép nát dưới áp suất nước khổng lồ ở Bắc Đại Tây Dương.
Các chuyên gia đã thu hồi những phần thi thể được cho là của con người từ các mảnh vỡ được tìm thấy dưới đáy đại dương và đưa đến cảng St. John's, Newfoundland, Canada. Lực lượng Tuần duyên Mỹ và giới chức Canada đang điều tra nguyên nhân thảm kịch.
Ngọc Ánh (Theo Marca)