Ông Ali Ali Ehsanpour, đại diện Đại học Y Jundishapur ở tỉnh Ahvaz, cho biết 218 người nhập viện sau khi uống rượu lậu. "Họ tin rằng uống rượu giúp tiêu diệt nCoV trong cơ thể", ông Ali Ehsanpour nói.
Theo ông Ali, ý tưởng cho rằng rượu có thể diệt nCoV hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Ngộ độc rượu methanol hay rượu gỗ là tình trạng cơ thể hấp thụ lượng lớn methanol dẫn đến suy giảm ý thức, phối hợp kém, nôn mửa, đau bụng và hơi thở có mùi đặc biệt. Khoảng 12 giờ sau khi uống rượu, nhiều người bị suy giảm thị lực. Hậu quả lâu dài có thể mù và suy thận, thậm chí tử vong.
Iran là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Dịch đã lan ra toàn bộ 31 tỉnh, giết chết 237 người và lây nhiễm hơn 7.000 người. Nước này đã phải vật lộn để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh.
Covid-19 hiện vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị.
Các hãng dược và giới chức y tế toàn cầu đang tiếp tục nghiên cứu và kỳ vọng tìm ra phương pháp chữa trị dựa trên những loại thuốc có sẵn, từng dùng cho bệnh khác như cúm, HIV... Song nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc chưa có hiệu quả rõ rệt và đều để lại tác dụng phụ, đôi khi khá nghiêm trọng.
Nghiên cứu của Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy trong 5 bệnh nhân Singapore điều trị bằng thuốc HIV AbbVie có 3 người dấu hiệu hồi phục, hai người tiếp tục chuyển biến xấu.
Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu, với mong muốn nhanh chóng có vaccine cũng như liệu pháp phù hợp. Nếu hiệu quả, ngành công nghiệp dược phẩm sẽ thu được nhiều lợi nhuận.
Thuốc Tamiflu điều trị cúm lợn của công ty Roche Holding AG đem lại nguồn thu 3 tỷ USD vào năm 2009. Bệnh nhân hồi phục chỉ sau 2 ngày sử dụng.
Nguyễn Hòa (Theo Straits Times)