"Một máy bay không người lái (UAV) vũ trang mang đầu đạn nổ mạnh đánh trúng vòm che dùng để bảo vệ thế giới khỏi phóng xạ từ lò phản ứng số 4", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trên mạng xã hội hôm 14/2, nhắc đến lò phản ứng đã bị phá hủy tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986, thêm rằng chỉ số phóng xạ không tăng sau sự việc.
Cuộc tấn công là bằng chứng cho thấy Nga không muốn tiến hành đàm phán và "đang chuẩn bị tiếp tục lừa dối thế giới", ông Zelensky cáo buộc.
Bộ tư lệnh không quân Ukraine cho biết Nga vào tối 13, sáng 14/2 phóng 133 UAV tự sát và mồi nhử vào các tỉnh phía bắc ở nước này, trong đó có khu vực đặt nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. 73 UAV bị bắn hạ, 58 phi cơ bay lạc đường và không gây hậu quả đáng kể.
Vụ tập kích vào vòm che lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl rạng sáng 14/2. Video: Facebook/Volodymyr Zelensky
Video quay bằng camera giám sát do Tổng thống Ukraine đăng cho thấy một vụ nổ xảy ra ở mặt bên của mái vòm bảo vệ lò phản ứng số 4 vào lúc 2h02, tạo ra vụ cháy nhỏ và lỗ hổng trên mái của cấu trúc này. Lính cứu hỏa dùng vòi phun để dập tắt đám cháy từ bên trong mái vòm.
Ông Zelensky cho biết UAV bay ở độ cao khoảng 85 m, quá thấp để radar có thể phát hiện.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận đã xảy ra vụ nổ tại nhà máy, chỉ số phóng xạ trong và ngoài cơ sở "vẫn bình thường, ổn định". IAEA triển khai thanh sát viên tại Chernobyl kể từ giai đoạn đầu của xung đột tại Ukraine.
Hình ảnh do cơ quan này công bố cho thấy một vật thể đang bốc cháy sau khi đâm vào mái của vòm che tại lò phản ứng số 4, được cho là UAV.
![Vật thể bốc cháy được cho là UAV sau khi đâm vào vòm che của lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl rạng sáng 14/2. Ảnh: IAEA](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/Anh-1739531603-1184-1739532191.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KK1XQdVyeTFffC3N7UuRDA)
Vật thể bốc cháy được cho là UAV sau khi đâm vào vòm che của lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl rạng sáng 14/2. Ảnh: IAEA
Điện Kremlin sau đó bác cáo buộc của Ukraine, khẳng định quân đội nước này không tập kích hạ tầng hạt nhân của đối phương.
"Không có chuyện tấn công vào các cơ sở hạ tầng hạt nhân như vậy. Mọi tuyên bố cho rằng điều này đã xảy ra đều không đúng với thực tế. Quân đội Nga không làm điều này", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Trong giai đoạn đầu xung đột, quân đội Nga từng kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl một thời gian ngắn trước khi rút đi. Lực lượng của Moskva cũng kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và hiện vẫn giữ cơ sở này.
IAEA đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ tới từ giao tranh xung quanh các nhà máy điện nhân trong cuộc xung đột. Bộ Quốc phòng Nga hôm 12/2 cáo buộc Ukraine tập kích đoàn xe chở thanh sát viên IAEA khi họ đang trên đường đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, trong khi Kiev nói Moskva "kích động giao tranh" trong khu vực ngay trước khi hoạt động luân chuyển thanh sát viên được tiến hành.
Năm 1986, lò phản ứng hạt nhân số 4 ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ khi thử nghiệm kiểm tra an toàn, gây ra thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Sự cố tạo ra các đám mây phóng xạ lan rộng khắp châu Âu và khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán.
Tháng 11/2016, một vòm che khổng lồ bằng kim loại đã được dựng lên để bao phủ phần còn lại của lò phản ứng số 4, nhằm ngăn phóng xạ rò rỉ trong tương lai. Chi phí xây dựng công trình này là 2,5 tỷ USD và tới từ tài trợ quốc tế.
![Vị trí nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (chấm đỏ). Đồ họa: RYV](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/Map-1739531893-4507-1739532191.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_r-5jX1eKvOJUF8y4k2KbQ)
Vị trí nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (chấm đỏ). Đồ họa: RYV
Phạm Giang (Theo AFP, RIA Novosti)