"Chúng tôi có doanh thu từ tài sản phong tỏa và phải tìm cách để sử dụng chúng, đồng thời tránh các rào cản", Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ngày 24/6 thông báo, đề cập khối tài sản đang bị đóng băng ở nước ngoài của Nga, hầu hết là ở EU.
"Chúng tôi đã thiết lập quy trình để đẩy nhanh việc này. Đợt tiền đầu tiên sẽ đến vào tuần tới, vào tháng 7. Sau khoảng vài tháng nữa là đợt thứ hai", ông Borrel cho biết, thêm rằng Ukraine sẽ nhận tổng cộng 2,5 tỷ euro (2,7 tỷ USD), trong đó đợt đầu tiên là 1,4 tỷ euro (gần 1,5 tỷ USD).
Các đại sứ EU hôm 8/5 nhất trí sẽ sử dụng lợi nhuận từ khối tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho các nhu cầu tái thiết và quốc phòng của Ukraine. Theo ước tính ban đầu, Kiev sẽ nhận khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm.
Ông Borrell khẳng định Ukraine đang rất cần trợ giúp, đặc biệt là thời điểm hiện tại. "Tôi hy vọng các bộ trưởng sẽ ủng hộ đề xuất nhằm tăng cường hỗ trợ Ukraine bằng nguồn thu của Nga", quan chức EU cho hay, song không đề cập cụ thể.
Khi được hỏi về ý kiến của Hungary, quốc gia đã trì hoãn phê duyệt các thủ tục pháp lý cho quy trình chuyển lợi nhuận từ tài sản Nga cho Ukraine, ông Borrel cho biết việc đạt đồng thuận trong trường hợp này là điều không cần thiết, do Budapest đã không tham gia vào các quyết định liên quan tới kế hoạch này trước đây.
"Vì Hungary không tham gia vào quyết định này, họ không cần phải tham gia vào việc thực thi quyết định", ông Borrell nói.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto sau đó chỉ trích động thái của EU. "Chưa từng có trường hợp nào vi phạm trắng trợn các quy tắc chung của châu Âu như vậy. Các đồng nghiệp của chúng tôi ở Brussels và đội ngũ pháp lý về EU đang nghiên cứu khả năng về pháp lý để đòi lại công lý cho Hungary", quan chức này cho hay.
Trái ngược với các nước EU khác, Hungary duy trì quan hệ nồng ấm với Nga sau khi chiến sự tại Ukraine bùng phát và đã từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng chỉ trích việc EU và NATO chuyển giao khí tài cho Ukraine, khẳng định điều này chỉ khiến chiến sự tiếp tục kéo dài.
Các nước phương Tây đã đóng băng hơn 300 tỷ USD tài sản của Nga sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát đầu năm 2022. Khoảng 2/3 do tổ chức tiền gửi quốc tế Euroclear, trụ sở tại Bỉ, nắm giữ. Một số thành viên G7, trong đó có Mỹ, đề xuất tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga, song EU do dự vì lo ngại các rủi ro về mặt pháp lý và tài chính.
Kế hoạch của EU độc lập với quyết định hồi giữa tháng của nhóm G7 về việc thế chấp lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga để vay 50 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
Moskva trước đó chỉ trích các ý tưởng tận dụng tài sản bị phong tỏa của nước này và dọa sẽ đáp trả. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 5 ký sắc lệnh về quy trình tịch thu tài sản Mỹ bị đóng băng ở Nga để bù đắp thiệt hại do lệnh trừng phạt từ phương Tây gây ra.
Phạm Giang (Theo Reuters, Kyiv Independent)