Tổng thống Donald Trump ngày 3/2 nêu ý tưởng Ukraine dùng lượng "đất hiếm và những thứ khác" tương đương 500 tỷ USD để đổi lấy các khoản viện trợ từ Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng sau đó liên tục thúc đẩy nỗ lực "đổi khoáng sản lấy viện trợ" và cử Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tới Kiev để thảo luận về các thỏa thuận tiềm năng.
Một điều khoản chính quyền ông Trump có thể đã đưa ra là Ukraine trao quyền sở hữu 50% khoáng sản quan trọng của nước này cho Mỹ để hoàn trả những gì Kiev nhận từ Washington từ khi nổ ra xung đột với Nga tháng 2/2022. Tổng thống Volodymyr Zelensky từ chối, nói số tiền Mỹ viện trợ không đến 500 tỷ USD, và ông muốn Washington có đảm bảo an ninh cho Kiev.
Theo giới quan sát, tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Zelensky cho thấy ông đang muốn tìm kiếm những điều khoản có lợi hơn cho Ukraine trong cuộc đàm phán khoáng sản với Mỹ. Tuy nhiên, họ cảnh báo nỗ lực trì hoãn có thể phản tác dụng, khiến Kiev đối mặt thêm sức ép và điều khoản bất lợi hơn từ ông chủ Nhà Trắng trong một thỏa thuận mà họ khó có khả năng khước từ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev ngày 5/2. Ảnh: AP
Các quan chức Ukraine nói họ đã phải tham khảo nhiều tài liệu để tìm hiểu phong cách đàm phán của ông Trump, nhưng vẫn bối rối tại những cuộc gặp với các quan chức trong chính quyền Mỹ. Chỉ có một thứ được thể hiện rõ ràng là sự mạnh mẽ của chính sách "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA)" mà ông Trump nhiều lần nêu ra.
"Đó không phải thương lượng, mà là ép buộc", một quan chức tham gia đàm phán mô tả về áp lực Ukraine phải chịu trong quá trình đàm phán với phía Mỹ.
Ý tưởng trao đổi tài nguyên bắt nguồn từ phía Ukraine, khi ông Zelensky đến Mỹ gặp ông Trump tháng 9/2024. Trong chuyến thăm, ông Zelensky đề xuất cấp quyền tiếp cận khoáng sản Ukraine cho công ty Mỹ để đổi lấy hỗ trợ an ninh và một lời mời gia nhập NATO.
Ông Trump sau đó cho rằng nguồn tài nguyên và hạ tầng của Ukraine nên dùng để hoàn trả những khoản viện trợ Mỹ đã cung cấp. Kể từ ngày 12/2, Mỹ đã đưa ra ba phiên bản thỏa thuận mà giới chức Ukraine mô tả là "tệ", "đỡ tệ hơn" và "thảm họa".
Phiên bản "tệ" do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent đề xuất hôm 12/2 và cho ông Zelensky một giờ để ký. Washington Post đưa tin ông Zelensky chỉ có vài phút để đọc nội dung dự thảo thỏa thuận trước cuộc gặp với ông Bessent. Tổng thống Ukraine sau đó bác bỏ, cho rằng thỏa thuận "không bảo đảm an ninh và bảo vệ Kiev".
Phiên bản "đỡ tệ hơn" được Phó tổng thống Mỹ JD Vance và Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump về xung đột Ukraine, đưa ra tại Hội nghị An ninh Munich, Đức ngày 14-16/2.
"Phiên bản này không mô tả đây là những gì Ukraine phải trả cho 'khoản nợ tưởng tượng' từ Mỹ", một nguồn tin chính phủ Ukraine nói. Như phiên bản "tệ", Mỹ trong dự thảo thỏa thuận này không đưa ra cam kết viện trợ cho Ukraine, ngoại trừ điều khoản bảo vệ các nguồn tài nguyên được khai thác.
Ukraine sau đó cũng bác bỏ. Brian Hughes, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Nhà Trắng, ngày 16/2 mô tả quyết định của Ukraine là "thiển cận". Tổng thống Zelensky ngày 19/2 nhấn mạnh ông cần thứ gì đó rõ ràng khi đánh đổi tài nguyên quốc gia.
"Không bất ngờ khi ông Zelensky bác bỏ phiên bản đó", Alexander Khara, chủ tịch viện chính sách Trung tâm Chiến lược Quốc phòng, Ukraine, nói với Le Monde. "Tôi không thể bình luận về nội dung thỏa thuận, nhưng nó rõ ràng theo phong cách của ông Trump".

Vị trí khu vực có tài nguyên khoáng sản ở Ukraine. Vùng màu đỏ là nơi Nga đang kiểm soát. Đồ họa: United Media 24
Một ngày sau, tân Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đưa ra phiên bản thỏa thuận mới mà Ukraine coi là "thảm họa", gần như không đề cập đến những nội dung thương lượng trước đó.
Trong phiên bản thỏa thuận này, Ukraine chia sẻ 50% lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên bao gồm khoáng sản, khí đốt, dầu mỏ và các hạ tầng, như cảng, cho một quỹ đầu tư thuộc sở hữu chính phủ Mỹ. Quá trình này diễn ra cho đến khi quỹ nhận đủ 500 tỷ USD, con số mà với mức thu ngân sách hiện tại, Ukraine phải mất hàng trăm năm để thực hiện.
Dự thảo ông Lutnick đưa ra "giống như sự trừng phạt vì Ukraine không nhượng bộ ngay" với phiên bản trước, khiến ông Trump phẫn nộ. "Khi thấy chúng tôi không ký thỏa thuận với ông Vance và Kellogg, ông Trump đã cử một quan chức chỉ quan tâm những con số, không cảm xúc, để giải quyết", theo một nguồn tin Ukraine.
"Nếu chúng tôi ký thỏa thuận với nội dung như vậy, ngay hôm sau, chúng tôi sẽ bị đám đông giận dữ lôi cổ ra khỏi văn phòng rồi hành quyết", một quan chức Ukraine nói.
Tổng thống Zelensky từ chối, vì theo kế hoạch này thì Ukraine phải mất 250 năm mới trả đủ. Ông cũng chỉ ra rằng số tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine trong ba năm qua không đến 500 tỷ USD, và ông muốn Washington có đảm bảo an ninh cho Kiev.
"Tôi sẽ không ký một thỏa thuận mà 10 thế hệ người Ukraine sau này phải gánh nợ", ông Zelensky nói, song nhấn mạnh sẽ tiếp tục nỗ lực đàm phán với giới chức Mỹ.
Nỗ lực trì hoãn thỏa thuận khoáng sản của Ukraine đang rơi vào ngõ cụt, và Kiev không biết phải thương lượng với Washington về phiên bản thỏa thuận nào.
Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh họ vẫn là bên phụ trách đàm phán thỏa thuận khoáng sản riêng với Ukraine, không liên quan đến phiên bản do Bộ trưởng Thương mại Lutnick đưa ra. Giới chức Ukraine lo ngại chấp nhận phiên bản của ông Lutnick có thể làm mếch lòng Phó tổng thống Vance, dù họ muốn chọn cách tiếp cận bình đẳng hơn của Vance - Kellogg.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Tháp Trump ở New York tháng 9/2024. Ảnh: AP
Hiện chưa rõ ông Trump phản ứng thế nào trước tuyên bố gay gắt từ Tổng thống Ukraine. Ông chủ Nhà Trắng có thể tăng sức ép bằng cách siết hỗ trợ hơn nữa, cắt sóng dịch vụ vệ tinh liên lạc Starlink - được coi là huyết mạch liên lạc của quân đội Ukraine. Ukraine còn lo ngại ông Trump đẩy nhanh đàm phán kết thúc chiến sự với Nga, quá trình mà cả Kiev và châu Âu đều đang không được tham gia.
Trước sức ép ngày càng lớn, Kiev sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận thỏa thuận khoáng sản theo những điều khoản do Washington đưa ra. "Cách đàm phán này thô bạo, nhưng vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất", một quan chức cấp cao Ukraine nói. "Những gì xảy ra sau đó sẽ còn tệ hơn nữa".
Phó thủ tướng Ukraine Olga Stefanishyna ngày 24/2 thông báo nước này đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng về thỏa thuận khoáng sản với Mỹ và cam kết nhanh chóng hoàn tất nội dung dự thảo để có thể tiến tới ký kết. Bà hy vọng Tổng thống Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ ký thỏa thuận này tại Washington "để thể hiện cam kết của chúng tôi trong nhiều thập kỷ tới".
Như Tâm (Theo Economist, Reuters, Le Monde)