"Nếu Trung Quốc có góc nhìn riêng, họ có thể đưa ra công thức hòa bình thay thế. Nếu chúng tôi có quan điểm tương đồng, và Trung Quốc cùng chia sẻ con đường hướng đến hòa bình, chúng ta sẽ cùng tìm giải pháp", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu ngày 13/6 bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Italy, tại cuộc họp báo sau lễ ký thỏa thuận hợp tác an ninh 10 năm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông Zelensky cũng lưu ý "công thức hòa bình" 10 điểm do phía Ukraine đề xuất đã dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc và lấy những nguyên tắc trong quan hệ quốc tế về toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, an ninh hạt nhân và an ninh lương thực làm cốt lõi.
Công thức này của ông Zelensky yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, ngừng các hành động thù địch và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Kiev theo Hiến chương LHQ. Tuy nhiên, Nga không chấp nhận kế hoạch hòa bình này của Ukraine, tuyên bố mọi thỏa thuận đều phải tính đến "thực tế mới", gồm các vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập.
Trước đó, Reuters dẫn tiết lộ từ 10 nhà ngoại giao cho hay Trung Quốc đang âm thầm vận động các nước về "công thức hòa bình" mới cho chiến sự Nga - Ukraine, trước thềm hội nghị thượng đỉnh hòa bình diễn ra ngày 15-16/6 ở Lucerne, Thụy Sĩ.
Sự kiện sẽ không có đại diện Nga tham gia và Trung Quốc cũng chưa xác nhận tham dự. Bắc Kinh tuyên bố nước này "khó tham dự" hội nghị do sự kiện không đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc rằng mọi cuộc đàm phán cần có sự tham gia của cả Nga và Ukraine.
Nguồn tin của Reuters cho hay trong các tiếp xúc ngoại giao thời gian qua, thay vì chỉ trích quyết liệt hội nghị tại Thụy Sĩ hoặc yêu cầu nước tẩy chay, giới chức Trung Quốc bày tỏ lo ngại sự kiện này có thể khiến chiến sự Ukraine kéo dài. Thông điệp được chuyển qua nhiều kênh, gồm các cuộc gặp gỡ chính khách nước ngoài, điện đàm và trao đổi tin nhắn với phái bộ ngoại giao các nước tại Trung Quốc.
Ngoài giải thích lập trường về hội nghị hòa bình ở Lucerne, Bắc Kinh cũng vận động các nước đang phát triển ủng hộ kế hoạch hòa bình của mình. Các nhà ngoại giao Trung Quốc và Brazil ngày 23/5 công bố "đồng thuận 6 điểm" về lập trường trong tìm kiếm giải pháp chính trị cho xung đột Ukraine, trong đó khẳng định đối thoại và đàm phán là con đường khả thi duy nhất.
Phía Trung Quốc đánh giá hội nghị quốc tế về hòa bình cho xung đột tại Ukraine nên diễn ra "vào thời điểm phù hợp và phải được Nga lẫn Ukraine công nhận". Bắc Kinh nhấn mạnh hội nghị cần có sự tham gia bình đẳng của mọi bên, đồng thời trao đổi thẳng thắng về mọi kế hoạch hòa bình.
Giới chức Trung Quốc đã thông báo với một số đoàn ngoại giao phương Tây rằng nhiều quốc gia đang phát triển có chung lập trường với Bắc Kinh về hội nghị hòa bình cho Ukraine, theo tiết lộ từ hai nhà ngoại giao.
Tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sáng kiến hòa bình của Trung Quốc đã được 45 nước ủng hộ, trong đó hơn 20 nước đồng ý tham gia hoặc "đang nghiêm túc cân nhắc".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối tháng 5 cũng tuyên bố ủng hộ Trung Quốc tổ chức hội nghị hòa bình giải quyết khủng hoảng tại Ukraine vì Bắc Kinh muốn "ưu tiên giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột và đảm bảo lợi ích hợp pháp của các bên". Ông cũng cho rằng mọi đối thoại về hòa bình ở Ukraine cần tôn trọng các nguyên tắc an ninh và tôn trọng tình hình thực địa.
Thanh Danh (Theo Pravda, Reuters)