"Một trong các phi công Ukraine đã làm video về hoạt động chiến đấu của tiêm kích MiG-29 để tưởng nhớ thiếu tá Yevhen Lysenko, người thiệt mạng trong trận không chiến với lực lượng Nga ngày 9/3", không quân Ukraine cho biết hôm 30/8, kèm theo video các chiến đấu cơ MiG-29 nước này làm nhiệm vụ.
Video cho thấy tiêm kích MiG-29 Ukraine hoạt động theo biên đội hai chiếc, trong đó chiếc dẫn đầu được trang bị hai tên lửa diệt radar AGM-88 HARM do Mỹ chế tạo cùng hai tên lửa đối không tầm ngắn R-73. Phi công Ukraine thường phóng liên tiếp hai quả HARM với giãn cách ngắn từ độ cao trung bình, không có hình ảnh tên lửa đánh trúng mục tiêu.
Trong video, chiếc MiG-29 cũng làm nhiệm vụ tấn công mặt đất bằng rocket S-24 cỡ 240 mm được phát triển từ thời Liên Xô và pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm. Thiết bị định vị vệ tinh (GPS) thương mại được phi công Ukraine gắn trong buồng lái, trong đó một chiếc bị rơi do rung lắc mạnh trong lúc pháo GSh-30-1 khai hỏa.
Chưa rõ cách không quân Ukraine sử dụng tên lửa HARM trong chiến đấu. Các quả đạn được lắp dưới giá treo sát thân, vị trí thường trang bị tên lửa đối không tầm trung R-27.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng những chiếc MiG-29 trong video là phiên bản nguyên gốc, chưa trải qua hiện đại hóa và nhiều khả năng tên lửa HARM được phóng trong chế độ tấn công tọa độ. Theo đó, dữ liệu về khu vực nghi có phòng không đối phương được nạp vào tên lửa trước khi máy bay cất cánh, quả đạn sẽ bay đến tọa độ cho trước và tìm nguồn phát radar. Nó sẽ lao xuống khu vực xuất hiện chùm sóng radar hoặc tự hủy nếu không phát hiện được mục tiêu.
"Điều này cho phép máy bay phóng mù, không cần trực tiếp phát hiện mục tiêu và không phải bay vào tầm hỏa lực phòng không đối phương. Tiêm kích MiG-29 có thể bay với tốc độ cao và phóng đạn theo quỹ đạo cầu vồng, giúp tăng tối đa tầm bắn và thời gian bay của tên lửa, cho phép nó có nhiều thời gian tìm mục tiêu hơn", chuyên gia quân sự Thomas Newdick nhận định.
Việc phóng liên tiếp hai quả đạn có thể nhằm chế áp đối phương để bảo vệ đội hình máy bay đồng đội, hoặc tấn công hai mục tiêu riêng rẽ trong khu vực có lưới phòng không dày đặc. "Đây là cách làm tốn kém và có thể khiến kho dự trữ đạn HARM nhanh chóng cạn kiệt. Tuy nhiên, đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy Ukraine đã nhận được lượng lớn tên lửa trong hai đợt viện trợ", Newdick nói thêm.
AGM-88 HARM là tên lửa không đối đất được thiết kế để bám theo chùm sóng bức xạ từ các đài radar mặt đất. Nó được phát triển để thay thế tên lửa AGM-45 Shrike và AGM-78 SARM, bắt đầu biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 1985. Mỗi quả đạn AGM-88 nguyên bản có giá 284.000 USD, dài 4,1 m, nặng 355 kg, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 66 kg, đạt tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa gần 2.300 km/h.
Giới chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng tên lửa HARM sẽ là công cụ quan trọng để Ukraine đối phó với lưới phòng không dày đặc được Nga triển khai trong chiến sự, hạn chế mối đe dọa đến máy bay của Kiev và cho phép họ hoạt động linh hoạt hơn so với trước đây.
Vũ Anh (Theo Drive)