Trong những ngày gần đây, các báo lớn của Lào như Pasaxon, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, và tờ Pathet Lao của Thông tấn xã Lào đã đăng trên trang nhất các bài viết ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ.
Pasaxon nhấn mạnh đây là "chiến thắng lừng lẫy nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm" của Việt Nam, đã đánh thắng kẻ thù có nền tảng kinh tế, quân sự mạnh hơn và hiện đại hơn rất nhiều lần. Tờ Pathet Lao viết rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là điểm tựa và tấm gương để các nước thuộc địa đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân ở nhiều nơi trên thế giới.
Thông tấn xã Campuchia (AKP) đăng bài về những hoạt động kỷ niệm của Việt Nam. Hãng này trích lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi cả nước hướng về Điện Biên.
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm đã diễn ra vào sáng 7/5 tại Điện Biên Phủ với sự tham gia của hơn 12.000 người, gồm các lực lượng của quân đội, công an, dân quân tự vệ và các đoàn thể xã hội. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu đã dự sự kiện.
"Những con đường rợp bóng cây ở Điện Biên Phủ được trang hoàng với biểu ngữ mang hình ảnh anh hùng đấu tranh vì độc lập Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ", hãng thông tấn Pháp AFP mô tả. "Các địa điểm từng diễn ra những trận đánh lớn tại tỉnh đã thay da đổi thịt".
AFP nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Việt Nam mời một bộ trưởng Pháp tham dự sự kiện như vậy, đồng thời nhận định "mối quan hệ giữa hai cựu thù hiện nay rất thân thiết".
"Quá khứ đã qua rồi. Chúng ta không còn nghĩ đến xung đột hay hận thù. Bắt tay là điều tốt vì tất cả chúng ta đều muốn thêm bạn bớt thù", nữ quân nhân Ha Thi Duong nói.
Điểm lại lịch sử, AFP viết rằng lực lượng viễn chinh của Pháp với 15.000 quân "đã đánh giá thấp hỏa lực" của phía Việt Nam trong chiến dịch, với chiến thuật bố trí pháo trên cao điểm, hướng xuống cứ điểm đối phương. Lực lượng Việt Nam khi đó tháo rời các bộ phận của pháo và chuyển chúng qua hàng trăm km đường rừng.
Jean-Yves Guinard, 92 tuổi, một trong ba cựu binh Pháp trở lại Điện Biên Phủ dự lễ kỷ niệm, nói rằng ông "vẫn rất gắn bó với Việt Nam". AFP mô tả người dân địa phương và du khách đã thân thiện chào đón ba cựu binh Pháp tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hãng tin có trụ sở tại Anh Reuters mô tả "hàng chục nghìn người không nản lòng trước cơn mưa dai dẳng, tập trung tại sân vận động chính ở Điện Biên Phủ để xem cuộc diễu binh diễu hành cùng chương trình văn nghệ, cũng như lắng nghe các bài phát biểu".
"Trận Điện Biên Phủ lịch sử được coi là một trong những trận đánh vĩ đại nhất trong thế kỷ 20", hãng thông tấn viết. "Thất bại của Pháp dẫn đến ký kết Hiệp định Geneve".
Chuyên gia người Australia Carl Thayer đánh giá "bài học từ chiến dịch Điện Biên Phủ là Việt Nam phải xác định rõ lợi ích quốc gia và theo đuổi chúng một cách chiến lược".
"Việt Nam đã hệ thống hóa cách tiếp cận này với chính sách ngoại giao cây tre, kiên quyết và kiên định trên các nguyên tắc cơ bản, song linh hoạt trong cách thức và phương tiện để đạt các mục tiêu chiến lược", ông Thayer nói.
Hãng thông tấn Mỹ AP viết rằng chiến thắng Điện Biên Phủ "đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ Pháp đô hộ Đông Dương" suốt gần một thế kỷ.
"Tại Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam do đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy gây bất ngờ cho Pháp với hỏa lực pháo hạng nặng nhằm vào cứ điểm đối phương", bài viết có đoạn.
Một cựu chiến binh Việt Nam, từng là đại đội trưởng pháo binh, cho biết "chúng tôi và Pháp từng là kẻ thù trong chiến đấu, song giờ bắt tay nhau". "Chúng tôi đang cùng nhau đoàn kết xây dựng một thế giới hòa bình, hạnh phúc và không có chiến tranh", ông nói.
Nguyễn Tiến