Quá trình xét xử giai đoạn một vụ án Vạn Thịnh Phát, TAND TP HCM xác định bà Lan đã sử dụng rất nhiều tiền của SCB mua các bất động sản. Trong đó, bà này đã sử dụng 147 triệu USD thông qua công ty Vivaland để mua cổ phần của các cổ đông sở hữu Công ty Amaland Pte.Ltd (Amaland) tại Singapore có phải từ nguồn tiền của SCB hay không thì chưa được làm rõ. Do đó, tòa đề nghị Bộ Công an tiếp tục điều tra.
Truy nguồn tiền mua dự án
Kết quả điều tra giai đoạn hai đại án Vạn Thịnh Phát, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) xác định, Công ty TNHH Đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sing - Việt có diện tích hơn 331 ha tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, 100% vốn của doanh nghiệp này thuộc sở hữu của Amaland và đã được bà Lan mua lại.
Khu đô thị Sing - Việt là khu liên hợp thể thao, du lịch, thương mại và khu căn hộ, với số vốn đầu tư lên đến hơn 300 triệu USD. Dự án đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư, UBND TP HCM chấp thuận về chủ trương từ năm 1997 và cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, trong đó một vài khu được phê duyệt tỷ lệ 1/500.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn "đắp chiếu" do chưa có giấy phép xây dựng. Công trình được chia làm hai khu, trong đó khu tái định cư đã hoàn tất giải phóng mặt bằng còn khu đô thị vẫn chưa đền bù xong.
Tháng 4/2020, Amaland ký hợp đồng chuyển nhượng vốn tại Công ty Sing Việt cho Công ty CP Đầu tư Singapore – Việt Nam (SVIC) với giá 170 triệu USD. SVIC đã đặt cọc 16,5 triệu USD, sau đó chuyển thêm 100 triệu USD vào tài khoản phong tỏa và đề nghị công ty này chuyển giao cổ phần.
Tuy nhiên, Amaland đã không chuyển giao cổ phần tại Công ty Sing - Việt mà còn yêu cầu SVIC huỷ hợp đồng, hứa sẽ trả lại 50% tiền đặt cọc. Do bên mua không đồng ý nên Amaland đã khởi kiện ra tòa án tại Singapore yêu cầu huỷ hợp đồng đã ký kết. Phía SVIC cũng khởi kiện Amaland ra tòa án tại Việt Nam để yêu cầu đối tác tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Theo báo cáo của Chu Duyệt Phấn (con gái bà Lan) tại giai đoạn điều tra vụ án, bà Lan mua 100% vốn của Công ty Amaland, trong đó 97% do Công ty Regionaland Pte.Ltd (Regionaland) nắm giữ, 3% còn lại của các cổ đông nhỏ lẻ. Amaland đã uỷ quyền cho 3 cá nhân (do bà Lan chỉ định) nắm giữ toàn bộ vốn tại Công ty Sing - Việt. Cụ thể, Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn quản lý Acumen) nắm giữ 50%, Nguyễn Thanh Tùng và Cổ Thị Thanh Liêm, mỗi người nắm giữ 25% vốn góp.
Do xảy ra tranh chấp phần vốn góp của Amaland tại Công ty Sing - Việt với SVIC, nên phía gia đình bà Lan (Chu Duyệt Phấn làm đại diện) đã liên hệ với luật sư làm thủ tục chuyển nhượng 97% cổ phần do Regionaland nắm giữ tại Amaland sang cho mình. Hồ sơ chuyển nhượng đã nộp cho cơ quan chức năng Singapore từ tháng 9/2023. Đến nay, Chu Duyệt Phấn cho biết phía Singapore đã từ chối thực hiện thủ tục trên vì biết thông tin vợ chồng bà Trương Mỹ Lan bị bắt.
Bộ Công an đã thực hiện biện pháp uỷ thác tư pháp cho Cơ quan Tổng Chưởng lý Singapore, tương trợ tư pháp hình sự, xác minh tình trạng pháp lý hiện nay của các tài sản liên quan đến Amaland, Regionaland, vợ chồng bà Trương Mỹ Lan nhưng chưa có kết quả. Do đó, C03 đã chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan việc chuyển nhượng vốn như trên để tòa án xem xét, xử lý.
Đến nay, việc xác định nguồn gốc số tiền bà Lan sử dụng để mua cổ phần Amaland chưa được nêu trong kết luận điều tra. Những vướng mắc pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần của các công ty đầu tư dự án Khu đô thị Sing Việt vẫn chưa được các cơ quan tố tụng Việt Nam và Singapore giải quyết. Việc có hay không thu hồi số tiền bà Lan sử dụng để mua cổ phần Amaland sẽ được tòa án giải quyết khi xét xử giai đoạn hai của vụ án.
Dự án trăm triệu USD 'treo' 27 năm
Dự án Khu đô thị Sing - Việt bị kéo dài hàng chục năm do vướng mắc, vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng không thỏa đáng... đã gây bức xúc cho nhiều người dân huyện Bình Chánh. Tại buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu quốc hội hồi tháng 5, nhiều người đề nghị cần lập tổ xử lý quy hoạch treo dự án này. Họ mong muốn được trả lời dứt khoát về việc có hay không thực hiện dự án, đồng thời xin các chính quyền huỷ bỏ dự án để trả lại đất cho dân.
Liên quan đến việc cấp phép và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này, năm 2011, các công ty đã kiện Sở Kế hoạch Đầu tư và UBND TP HCM ra tòa, yêu cầu bồi thường 300 triệu USD. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng đã bác yêu cầu khởi kiện này.
Quá trình thụ lý giải quyết vụ kiện, TAND Tối cao tại TP HCM đã phát hiện trong hồ sơ có lời khai của các nhà đầu tư nước ngoài về việc đã chi 2,8 triệu USD phí "bôi trơn" cho quan chức Hà Nội. Vụ việc được chuyển cho cơ quan điều tra và Ban nội chính Trung ương vào cuộc làm rõ nhưng kết quả chưa được công bố.
Bà Lan bị cáo buộc trong 10 năm thâu tóm SCB đã thực hiện hàng loạt các hành vi sai phạm. Trong phạm vi giai đoạn một của vụ án, hồi tháng 4, bà Lan bị TAND TP HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt mức án tử hình về các tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Tham ô tài sản.
Bà này bị xác định đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử sơ thẩm có một số khoản vay đã được tất toán, bị cáo Lan cũng nộp thêm một số tiền khắc phục hậu quả nên còn bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng.
Ở giai đoạn hai, bà Lan và 26 đồng phạm bị cáo buộc phát hành 25 mã trái phiếu qua 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, lừa chiếm đoạt hơn 30.69 tỷ đồng của 35.824 nhà đầu tư.
Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới và "rửa" 445.747 tỷ đồng. Gần 30 bị can khác trong đó có Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), Trương Huệ Vân (cháu bà Lan) bị cáo buộc vai trò đồng phạm về một trong các tội trên.
Hải Duyên