Hàng nghìn đại biểu quốc hội Trung Quốc trong tuần này sẽ tập trung tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh sau hơn hai tháng hoãn họp vì Covid-19. Các cuộc họp chủ yếu tập trung công khai chương trình nghị sự kinh tế hàng năm, các mục tiêu tăng trưởng và ngân sách quốc gia. Cuộc họp hồi tháng 4 của Bộ Chính trị đã mô tả những thách thức kinh tế Trung Quốc đang đối mặt là "chưa từng có".
Cuộc họp của cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc năm nay còn diễn ra trong bối cảnh nhiều nước đang phản ứng dữ dội với cách Bắc Kinh xử lý dịch cũng như kêu gọi mở điều tra quốc tế về Covid-19.
Mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ cũng chạm mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, khi những lời đối đáp ngoại giao được thay thế bằng những tuyên bố đổ lỗi lẫn nhau về nguyên nhân bùng phát dịch cũng như đe dọa đáp trả.
Shi Yinhong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định nhu cầu về sự cân bằng kinh tế trong nước và phản ứng dữ dội toàn cầu hậu Covid-19 có thể buộc lãnh đạo nước này phải suy tính lại chiến lược.
"Nguồn cung quốc gia đang giảm dần và đại dịch cũng tạo ra một môi trường toàn cầu phức tạp hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy sự thu hẹp chiến lược nhất định của Trung Quốc", ông Shi nói.
Tuy nhiên, Richard McGregor, chuyên gia nghiên cứu về Đông Á tại Viện Lowy, Australia, không cho rằng đại dịch sẽ thay đổi tư duy chiến lược của Trung Quốc.
"Các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc sẽ không thay đổi, vẫn tập trung củng cố quyền lực trong nước và mở rộng ảnh hưởng nước ngoài trên một loạt các lĩnh vực như thương mại, công nghệ, quân sự, đặc biệt là vấn đề Biển Đông và cạnh tranh với Mỹ", McGregor nhận xét.
Cách để xử lý áp lực quốc tế ngày càng tăng do đại dịch toàn cầu, đã khiến hơn 4,8 triệu người nhiễm và hơn 310.000 người chết khắp thế giới, cũng đang tạo ra cuộc tranh luận tại Trung Quốc.
Một bên là đội quân ngoại giao "chiến lang", những quan chức không ngần ngại đáp trả và tấn công những ý kiến phê bình Trung Quốc ở nước ngoài. Bên còn lại là những quan chức như cựu thứ trưởng ngoại giao Fu Ying, người cho rằng những phát ngôn quyết liệt không đủ để thay đổi thành kiến với Trung Quốc.
Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu châu Á tại viện quan hệ đối ngoại tại New York, nói rằng trong khi chiến lược ngoại giao "chiến lang" đã khiến nhiều người xa lánh, Bắc Kinh vẫn không có dấu hiệu thay đổi.
"Những nỗ lực này nhằm thuyết phục chính người dân Trung Quốc hơn là nước ngoài và đó là lý do Bắc Kinh không có nhiều động lực để thay đổi hành vi của mình", Economy nói.
Năm nay cũng là thời điểm Trung Quốc kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ 13. Theo truyền thông nhà nước, các cuộc thảo luận về kế hoạch 5 năm tiếp theo đã bắt đầu ở cấp địa phương. Kế hoạch chi tiết hơn, dựa trên kết quả các cuộc thảo luận, sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong hai năm tới.
Rất nhiều quan điểm đồng ý rằng việc xây dựng các chính sách cho kế hoạch 5 năm tiếp theo đang diễn ra trong một bối cảnh rất khác so với năm 2015. Zhao Xijun, phó hiệu trưởng tại đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết nước này cần suy tính nhiều hơn từ góc độ của nền kinh tế toàn cầu trong kế hoạch 5 năm tới, khi sức mạnh kinh tế đã tăng lên rất nhiều.
"Đầu tư ở nước ngoài không còn là viện trợ đơn phương, cần dựa trên thị trường nhiều hơn và Trung Quốc cũng cần xem xét Mỹ và châu Âu có thể phản ứng như thế nào trước những hành động đó", ông Zhao nhận xét.
Wang Huiyao, Chủ tịch của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết Trung Quốc được dự kiến tiến nhanh hơn trong công cuộc xây dựng sự tự lực với các sản phẩm công nghệ cao như chất bán dẫn trong kế hoạch 5 năm tới.
"Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, chúng ta có thể thấy những thay đổi lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực y tế công cộng và công nghệ cao, như giảm phụ thuộc vào nguồn cung chip nước ngoài", ông Wang nói.
Cuộc họp năm nay của cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc dự kiến diễn ra trong khoảng một tuần, bằng khoảng một nửa thời gian họp thông thường. Các cuộc họp mọi năm thường kéo dài từ 10 tới 14 ngày.
Những người tham dự sẽ phải tới nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh trước một ngày để tiến hành làm xét nghiệm nCoV và chỉ được phép vào Đại lễ đường Nhân dân nếu cho kết quả âm tính. Các nguồn tin tiết lộ thêm cũng chỉ có ba hãng thông tấn nhà nước được phép vào hội trường đưa tin.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 4,8 triệu người nhiễm và hơn 310.000 người chết. Trung Quốc, nơi khởi phát dịch, được cho là đã kiểm soát tốt Covid-19 với gần 83.000 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)