Cảnh tượng gần 200 tên lửa lao xuống thành phố Tel Aviv của Israel tối 1/10 là dấu hiệu rõ ràng nhất về kịch bản mà nhiều người lo ngại: một cuộc chiến tranh khu vực thảm khốc đã ở ngưỡng bùng phát tại Trung Đông.
Đây là cuộc tập kích thứ hai của Iran vào lãnh thổ Israel trong vòng chưa đầy 6 tháng. Hồi tháng 4, Iran sử dụng máy bay không người lái và tên lửa hành trình với thời gian phóng lâu hơn tấn công căn cứ quân sự Israel trên sa mạc Negev thưa vắng. Israel sau đó cũng "giơ cao đánh khẽ" với cuộc tấn công đáp trả mang tính biểu tượng, giúp hai bên lùi bước khỏi bờ vực chiến tranh.
Nhưng lần này, Iran đã phóng loạt tên lửa đạn đạo, loại vũ khí nhanh hơn, uy lực hơn, khó đánh chặn hơn, chỉ mất khoảng 12 phút để lao tới lãnh thổ Israel kể từ lúc phóng. Các mục tiêu của đợt không kích dường như bao gồm những khu vực đô thị đông đúc.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian trong bài đăng trên mạng xã hội X sau vụ tấn công nói rằng Tehran không hiếu chiến, nhưng sẽ quyết chống lại mọi mối đe dọa. "Đây chỉ là một phần sức mạnh của chúng tôi. Đừng gây chiến với Iran", ông nói.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cũng tuyên bố Tehran đã hành động "sau hai tháng hết sức kiềm chế để tạo điều kiện cho lệnh ngừng bắn ở Gaza". Ông nhấn mạnh hành động đáp trả của Iran "sẽ kết thúc" trừ khi Israel tiếp tục trả đũa.
Giới quan sát cảnh báo sau cuộc tập kích trực diện lần hai của Iran, Israel sẽ đáp trả toàn diện và danh sách mục tiêu có thể gồm các cơ sở hạt nhân của Iran, vốn được Tehran coi là "lằn ranh đỏ".
Trên truyền thông địa phương, quan chức Israel mô tả cuộc tập kích tên lửa là lời tuyên chiến của Iran. Trong khi đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đêm 1/10 cảnh báo Iran phạm "sai lầm nghiêm trọng" và sẽ trả giá vì đã phóng tên lửa vào Israel.
Các nguồn tin giấu tên cho hay trong cuộc họp khẩn cùng các quan chức an ninh hàng đầu hôm 2/10, Thủ tướng Netanyahu đã xem xét phương án đáp trả Iran bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng chiến lược, như giàn khoan dầu, hoặc tập kích các cơ sở hạt nhân nước này. Các vụ ám sát và tấn công vào hệ thống phòng không Iran cũng được xem xét, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.
Dù đợt tập kích tên lửa mới của Iran gây tổn thất nhỏ, phản ứng của các lãnh đạo Israel đang làm dấy lên nỗi lo ngại về cuộc xung đột khu vực lan rộng, theo các nhà phân tích. Nếu Israel vượt lằn ranh đỏ bằng cách tập kích các cơ sở hạt nhân, Iran chắc chắn sẽ phải có hành động trả đũa quyết liệt hơn, khiến vòng xoáy xung đột càng trở nên khó lường.
Trung Đông đang trong tình trạng bất ổn hơn rất nhiều so với một năm trước. Căng thẳng khu vực hiện tại không chỉ dừng lại ở cuộc đối đầu giữa Israel và Hamas.
Đầu tháng 10/2023, nhóm vũ trang Hamas được Iran hậu thuẫn ở Gaza đã tấn công miền nam Israel, khiến khoảng 1.200 người chết và bắt cóc 250 người, châm ngòi căng thẳng khu vực tăng nhiệt. Tel Aviv lập tức tiến hành chiến dịch đáp trả Hamas ở Gaza, khiến khu vực đứng bên bờ vực xung đột toàn diện.
Hezbollah, nhóm vũ trang ở Lebanon, cũng lập tức tập kích khu vực biên giới phía nam với Israel, tuyên bố thể hiện tình đoàn kết với người Palestine và sẽ chỉ dừng lại khi có lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Giao tranh biên giới Israel - Lebanon liên tục gia tăng trong năm qua và dường như đã chạm ngưỡng nguy hiểm hơn xung đột giữa Hamas và Israel. Từ vụ hạ sát Fuad Shukr, "cánh tay phải" của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, cho tới loạt vụ nổ thiết bị liên lạc mà Hezbollah đổ lỗi cho Israel, vụ tập kích hạ thủ lĩnh Nasrallah và giờ là đòn không kích của Iran, tất cả đang đẩy khu vực đứng trước bờ vực xung đột khốc liệt.
"Một cuộc chiến toàn diện, hoặc thậm chí ở quy mô hạn chế hơn, cũng có thể tàn phá Lebanon, Israel và cả khu vực Trung Đông, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thế giới", Jonathan Panikoff, giám sát Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft thuộc tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương, nói.
Đối với đất nước bất ổn và khó khăn về kinh tế như Lebanon, chiến tranh toàn diện ở Trung Đông có thể khiến hàng triệu dân thường phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng về tính mạng, cuộc sống và sinh kế, trong khi chính phủ của họ khó có thể giúp đỡ.
Ước tính một triệu thường dân Lebanon đã phải di dời và nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy trên khắp đất nước thời gian qua, khi căng thẳng Israel - Hezbollah tăng nhiệt. Nếu chiến sự nổ ra, quy mô dân thường thương vong, mất nhà cửa, sơ tán sẽ lớn hơn rất nhiều.
Vợ chồng Reda, Ruhaya Turab cùng con nhỏ 6 tuổi đã phải rời khỏi nhà ở Dahiyeh tuần trước, sau khi Israel ném bom tập kích hầm ngầm của thủ lĩnh Hezbollah. Họ chỉ kịp vơ vội những gì có thể trước khi sơ tán.
"Tôi và vợ đã trải qua khoảnh khắc khủng khiếp và đáng sợ. Không chỉ có một hay hai cuộc không kích, mà là 10 lần liên tiếp. Khi bom rơi xuống, cửa sổ nhà chúng tôi vỡ vụn và ngôi nhà rung chuyển", anh nói.
Sau khi Gaza bị tàn phá trong gần một năm xung đột, nhiều người lo ngại Lebanon có thể trở thành "Gaza thứ hai" và nền kinh tế nước này có thể sụp đổ nếu chiến tranh diện rộng bùng phát.
Không chỉ riêng người dân Lebanon, bóng ma xung đột cũng đang ám ảnh cuộc sống của người dân Israel. Sau khi Hezbollah phóng tên lửa đạn đạo vào cơ quan tình báo Israel ở thành phố Tel Aviv cuối tháng trước, Hedva Fadlon, cư dân 61 tuổi, cho hay những quả đạn bay tới từ Gaza hay Lebanon đều đáng sợ.
"Dù đến từ phía nam hay phía bắc, chúng vẫn là rocket, tên lửa. Chúng đáng sợ, gây căng thẳng và khó chịu như nhau. Tôi không nghĩ có ai trên thế giới muốn sống trong tình cảnh này", bà nói.
Xung đột leo thang cũng mang lại những hậu quả tiêu cực cho chính phủ của Thủ tướng Netanyahu. Các nhà phân tích cho rằng nỗ lực đàm phán ngừng bắn và thả con tin giữa Israel và Hamas có thể tiếp tục bế tắc, khiến xung đột kéo dài và Israel có thể đánh mất thêm ủng hộ quốc tế.
Iran cũng sẽ hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề nếu xung đột lan rộng. Sau khi nhậm chức Tổng thống hồi tháng 7, ông Pezeshkian đã bày tỏ nỗ lực cải thiện quan hệ thương mại và kinh tế với khu vực và quốc tế, nhằm phát triển nền kinh tế Iran vốn gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo những đòn trả đũa Israel và nguy cơ xung đột lan rộng có thể "giáng đòn" vào kế hoạch hợp tác với phương Tây của Iran.
Các nhà phân tích kinh tế lo ngại giá dầu tăng nếu xung đột toàn diện nổ ra, mang tới những tác động nguy hiểm đến toàn cầu.
"Xung đột càng gia tăng có thể đẩy giá dầu tăng cao, khi các khu vực sản xuất dầu xung quanh Iran có thể bị ảnh hưởng bởi hoạt động quân sự", Quincy Krosby, chiến lược gia toàn cầu của công ty LPL Financial ở Mỹ, nói.
Xung đột hiện tại ở Trung Đông sẽ rơi sâu đến đâu vào vực thẳm chiến tranh sẽ phụ thuộc vào phản ứng đáp trả của Israel thời gian tới, theo giới quan sát.
"Từ quan điểm của Israel, chúng tôi đã tham gia cuộc chiến khu vực từ ngày 7/10 và nó hiện là cuộc chiến tổng lực. Chúng tôi đang trong cuộc chiến vì sự sống còn của đất nước", Michael Oren, cựu đại sứ Israel tại Mỹ, nói. "Chiến thắng trong vài tuần tới là nghĩa vụ đối với quốc gia".
Nhưng giới phân tích cho rằng sẽ không ai giành được chiến thắng nếu chiến tranh toàn diện bùng nổ ở Trung Đông. Đau thương, tàn phá, chết chóc sẽ bao trùm khu vực, trong khi nền kinh tế toàn cầu sẽ hứng chịu thêm đòn giáng mới.
Israel được cho là đã phát triển vũ khí hạt nhân. Iran cũng sở hữu lượng lớn nhiên liệu hạt nhân, dù có thể chưa đủ để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nếu chiến tranh nổ ra và các cơ sở hạt nhân của họ bị tàn phá, Tehran có thể đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe và trừng phạt đối phương.
"Chiến tranh toàn diện giữa Iran và Israel chỉ có thể là kết quả của tính toán sai lầm, bởi nó sẽ khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng", Pablo Calderon Martinez, giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế ở London, Anh, nói. "Chẳng ai thắng trong cuộc chiến đó cả, bởi tất cả đều thua".
Thùy Lâm (Theo Guardian, Conversation, Reuters, IRNA)