Trong phát biểu lịch sử trước quốc hội Anh hôm 8/2, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi đồng minh hỗ trợ Ukraine tăng cường sức mạnh không quân để đối đầu với Nga trên chiến trường.
Lãnh đạo Ukraine cũng đưa ra yêu cầu tương tự ở Paris, nơi ông gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào cuối ngày.
"Ukraine càng sớm nhận được vũ khí hạng nặng tầm xa, phi công chúng tôi càng sớm nhận được máy bay thì chiến dịch quân sự của Nga càng sớm chấm dứt và chúng ta sẽ có lại hòa bình ở châu Âu", ông nói tại thủ đô Pháp.
Theo giới phân tích, những tiêm kích hiện đại phương Tây sẽ mang lại cho Ukraine năng lực chưa từng có để tấn công phía sau phòng tuyến Nga, đồng thời cản trở oanh tạc cơ Nga phóng tên lửa hành trình vào cơ sở hạ tầng trong lãnh thổ.
Yêu cầu của Kiev càng trở nên cấp bách hơn vì lực lượng Nga dường như đã bắt đầu một chiến dịch tấn công quy mô lớn ở khu vực miền đông Lugansk. "Quân đội Nga đã giành lại thế chủ động ở Ukraine", Viện Nghiên cứu Chiến tranh, trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Dù vậy, theo giới chuyên gia, yêu cầu khẩn cấp của Ukraine thực sự là một thách thức lớn đối với các đồng minh và việc chuyển giao máy bay chiến đấu dường như là nhiệm vụ bất khả thi.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các nước phương Tây vẫn từ chối đáp ứng lời kêu gọi hỗ trợ máy bay từ Tổng thống Zelensky, chủ yếu vì lo sợ hành động này sẽ khiến Nga, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, giận dữ, khiến xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát.
Điện Kremlin từng cảnh báo các nước phương Tây sẽ rơi vào thế xung đột trực tiếp với Nga nếu họ gửi chiến đấu cơ cho Ukraine.
Nhưng theo giới phân tích, khi cuộc xung đột bước sang tháng thứ 12, phương Tây dần thay đổi các lằn ranh đỏ của mình, bằng chứng rõ nhất là họ đã chấp nhận cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng cho Ukraine, yêu cầu từng bị từ chối hồi tháng trước.
Dù vậy, Mỹ vẫn tuyên bố sẽ không cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. Đây là một trong những máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất thế giới.
Nhưng Hà Lan, một trong những đồng minh châu Âu của Mỹ sở hữu F-16 và đang trong quá trình nâng cấp lên mẫu F-35 hiện đại hơn, nói rằng họ có thể gửi một số chiếc F-16 tới Ukraine.
Những bên khác cũng bắt đầu thể hiện lập trường bớt cứng rắn hơn.
Anh đã đề nghị đào tạo phi công chiến đấu cơ Ukraine, và văn phòng Thủ tướng Rishi Sunak cho biết ông đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Quốc phòng "tìm hiểu xem chúng tôi có thể cung cấp loại chiến đấu cơ nào".
"Nhưng cần lưu ý đây là một giải pháp lâu dài chứ không phải khả năng ngắn hạn", một phát ngôn viên chính phủ Anh nói. Tổng thống Pháp Macron trong khi đó cho hay "không loại trừ bất kỳ phương án nào".
Một phương án đang được cân nhắc là gửi 13 chiến đấu cơ Mirage 2000-C của Pháp cho Ukraine. Chúng gần đây đã ngừng hoạt động "nhưng vẫn còn tiềm năng", một quan chức giấu tên thân cận với không quân Pháp tiết lộ.
Nhưng Pháp trước hết phải sửa chữa lại các máy bay này và đào tạo phi công Ukraine, những người vốn chỉ biết lái tiêm kích do Liên Xô sản xuất, vốn chiếm đa số trong lực lượng không quân của họ.
Những máy bay chiến đấu hiện đại yêu cầu khoảng 6 tháng đào tạo đối với phi công dày dạn kinh nghiệm. Quá trình này có thể giảm xuống còn ba tháng trong trường hợp khẩn cấp, nhưng không ít hơn.
Các chuyên gia cho rằng một phi đội tiêm kích mới từ phương Tây sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng không của Ukraine, nhưng chúng khó có thể đóng vai trò là yếu tố thay đổi cuộc chơi.
Những mẫu như máy bay chiến đấu đa năng Typhoon của không quân Anh hay F-16 được thiết kế để hoạt động trên đường băng tương đối bằng phẳng và không được tối ưu hóa cho việc hạ cánh ngắn trên những sân bay gồ ghề, thường xuyên bị tập kích như ở Ukraine, Justin Bronk, học giả từ Viện các Quân chủng Hoàng gia Anh (RUSI), cho hay.
Để vận hành chúng một cách bền vững, "không quân Ukraine sẽ phải cải tạo và có thể là mở rộng đường băng tại những căn cứ quan trọng", ông nói. "Nhưng Nga sẽ dễ dàng quan sát được điều này qua vệ tinh và các căn cứ như vậy sẽ bị tấn công bằng tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo".
Ngoài ra, việc bảo trì chiến đấu cơ Typhoon "khá phức tạp", đòi hỏi một số lượng đáng kể các nhà thầu chuyên dụng đến từ Anh và thiết bị hỗ trợ ở chính Ukraine, Bronk nói thêm.
Do đó, việc chuyển giao chúng không mang lại nhiều ý nghĩa, Bronk lưu ý. Nhưng bước khởi đầu này có thể mở ra khả năng Ukraine tiếp cận với các máy bay Gripen của Thụy Điển hay những chiếc F-18 của các nước phương Tây khác, vốn có thể hoạt động từ những căn cứ tạm thời, đòi hỏi yêu cầu hậu cần tối thiểu.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)