Triathlon - Duathlon là bộ môn Olympic, phổ biến ở nhiều quốc gia, nhưng đến 2015 mới du nhập vào Việt Nam - qua giải Ironman 70.3 Việt Nam. Dù vậy, suốt nhiều năm, thành phần tham gia bộ môn này chỉ dừng ở mức chơi, thi đấu phong trào. Chỉ từ khoảng bốn năm trở lại đây, triathlon - duathlon mới bắt đầu nhận được sự quan tâm từ nhiều đội thể thao tỉnh, thành. Bằng chứng là triathlon và duathlon sắp có giải VĐQG và được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội Thể dục Thể thao Toàn quốc 2022. Một số đội thể thao địa phương bắt đầu cử VĐV tham gia các giải đấu để chuẩn bị cho hai sự kiện này.
Ở tầm quốc gia, năm 2019, tại vịnh Subic, Philippines, Việt Nam lần đầu tiên dự thi bộ môn triathlon - duathlon của SEA Games. Và ngay kỳ đại hội đó, Nguyễn Thị Phương Trinh đã mang về tấm HC đồng ở nội dung duathlon nữ. Cùng với việc phong trào chơi ngày càng lên cao trên khắp cả nước, đây là một lý do khiến các cấp quản lý và ngành thể thao đồng ý đưa triathlon - duathlon vào chương trình thi đấu SEA Games khi Việt Nam đăng cai Đại hội.
Tại Philippines ba năm trước, phần lớn tuyển thủ quốc gia triathlon - duathlon Việt Nam chủ yếu là dân phong trào. Nhưng năm nay, thành phần đã cân bằng hơn giữa hệ chuyên nghiệp với phong trào, giữa quân của các đội địa phương và các CLB xã hội hóa.
Đội tuyển triathlon - 3 môn phối hợp, gồm bơi biển 1,5 km, đạp xe 40 km và chạy bộ 10 km - đón chào kình ngư Lâm Quang Nhật trở lại. Từng là cậu bé vàng của bơi Việt Nam, vô địch hai kỳ SEA Games 2013 và 2015, Quang Nhật giã từ đường đua xanh sau HC bạc SEA Games 2017 rồi chuyển sang tập luyện và thi đấu triathlon. Ngoài thời gian tập luyện, anh hiện là HLV bơi của CLB BoiDapChay (Bơi-Đạp-Chạy) tại TP HCM.
Trịnh Vũ Anh Huy - đồng đội của Quang Nhật trong đội tuyển triathlon tại SEA Games lần này - cũng là cái tên quen thuộc, từng thuộc thế hệ vàng của thể thao TP HCM những năm 2000. Hiện nay, dù không còn thi đấu chuyên nghiệp, Anh Huy vẫn tập luyện bài bản và tham gia nhiều giải thi đấu trong nước cũng như quốc tế.
Ở đội tuyển duathlon - hai môn phối hợp gồm chạy 10 km, đạp xe 40 km và chạy 5 km, bên cạnh HC đồng SEA Games 30 Nguyễn Thị Phương Trinh, hy vọng còn được gửi gắm vào Hà Văn Nhật và Phạm Tiến Sản. Trước khi đến với duathlon, cả hai đều là những gương mặt quen thuộc ở môn điền kinh nam.
Hà Văn Nhật, sinh năm 1999 và thuộc biên chế đội điền kinh Thanh Hóa, từng đạt nhiều thành tích cao tại các giải Half Marathon và Marathon trong nước. Phạm Tiến Sản là chủ nhân HC bạc SEA Games các năm 2013, 2015 và 2017 ở nội dung chạy vượt rào 3000m, và hiện tập chuyên sâu chạy dài - từ 10km tới 42km - với đội Bắc Giang.
Sau khi chốt nhân sự sơ bộ, các tuyển thủ triathlon - duathlon được tập trung từ sau Tết Nguyên đán và tập luyện dưới sự hướng dẫn của HLV trưởng người Singapore Wille Loo Chuan Rong, cùng các trợ lý Cao Ngọc Hà và Phạm Thúy Vi. Sau đợt thi chọn nội bộ ở Vũng Tàu ngày 10/4, toàn đội chuyển ra Tuần Châu, Quảng Ninh - địa điểm thi đấu của SEA Games 31 - để tiếp tục tập luyện tăng cường.
"Quá trình chuẩn bị không tồi, nhưng cũng khó gọi là toàn mỹ", ông Phạm Minh Quang - đại diện ban vận động Liên Đoàn Triathlon Việt Nam - nói với VnExpress. Theo vị này, Covid-19 và những đợt giãn cách xã hội trong năm 2021 làm đảo lộn nhịp tập luyện của các tuyển thủ. Các bể bơi đóng cửa suốt thời gian dài nên VĐV ở môn triathlon mất thêm thời gian để lấy lại cảm giác nước. Phần đạp và chạy cũng bị ảnh hưởng, do VĐV chỉ có thể tập trên máy đạp xe, máy chạy bộ trong nhà, thay vì ngoài trời.
Kế hoạch tập huấn của đội cũng phá sản vì loạt giải đấu trong nước bị hoãn huỷ liên tục, còn các chuyến bay ra nước ngoài bị dừng, khiến VĐV không có cơ hội thi đấu cọ xát. Đây là thiệt thòi lớn với các tuyển thủ Việt Nam, bởi các đội cạnh tranh trực tiếp như Philippines, Thái Lan hay Singapore gần như được tự do tập luyện ngoài trời hoặc vẫn được tổ chức các giải đấu trong nước để cọ xát.
"Con đường giành huy chương của triathlon - duathlon Việt Nam tại SEA Games sắp tới sẽ khó khăn. Trừ Philippines quá mạnh, ban huấn luyện xác định cơ hội giành huy chương chia đều cho các đội còn lại, vì vậy các triathlete Việt Nam cần nỗ lực tối đa và có lẽ cả một chút may mắn", HLV Wille Loo Chuan Rong nhận định.
Bất chấp những khó khăn, trở ngại trong quá trình chuẩn bị, SEA Games 31 sắp khởi tranh cũng ghi nhận việc triathlon - duathlon được quan tâm ở cấp độ quản lý. Lần đầu tiên, bộ môn có một tổ trọng tài 25 người đến từ các địa phương được tập huấn và cấp bằng ngay trước thềm SEA Games bởi các chuyên gia của Liên đoàn Triathlon Thế giới. Các đoàn thể thao địa phương cũng bắt đầu có những bước đi đầu tiên trong công tác quy hoạch VĐV và huấn luyện. Đây là tiền đề để triathlon - duathlon Việt Nam hướng đến kỳ SEA Games 32 tại Campuchia, và các giải đấu trực thuộc hệ thống của Liên đoàn Triathlon Thế giới.
Bên cạnh đó, việc đứng ra đăng cai thi đấu bộ môn này tại SEA Games 31 còn thúc đẩy tiến trình xã hội hoá triathlon - duathlon, với sự tham gia của các doanh nghiệp. Năm 2019, Việt Nam dự SEA Games với phần lớn kinh phí tự túc. Còn lần này, đội được một số công ty và tập đoàn tài trợ phần kinh phí tập luyện, tổ chức thi đấu cũng như hỗ trợ địa điểm ăn ở cho toàn bộ VĐV, trọng tài và quan chức các đoàn tham dự.
"Chúng tôi kỳ vọng SEA Games 31 sẽ giúp triathlon - dualthlon Việt Nam tạo cầu nối giữa khối xã hội - doanh nghiệp và các cơ quan quản lý cấp nhà nước, qua đó giúp Việt Nam có chỗ đứng vững mạnh hơn trong khu vực ở bộ môn này", ông Minh Quang nói thêm.
Bộ môn triathlon SEA Games 31 sẽ thi đấu trong ngày 14/5, duathlon thi đấu trong ngày kế tiếp, đều tại đảo Tuần Châu, Hạ Long, Quảng Ninh.
Nhật Minh