Nhiều dịch vụ hữu ích trong giao thông công cộng được Lê Yên Thanh, trưởng dự án bSmart giới thiệu và xuất sắc giành giải Nhất chung kết cuộc thi AI Hack do Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao tổ chức ngày 6/12.
Từ ứng dụng Busmap (xe buýt thành phố) với hơn 2 triệu lượt tải, hơn 400.000 người dùng mỗi tháng, Thanh đã xây dựng nhiều dịch vụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo xung quanh ứng dụng này.
Dịch vụ bSmartETA là giải pháp dự báo thời gian di chuyển của xe sử dụng trí tuệ nhân tạo với dữ liệu thời gian thực về xe buýt và lịch sử di chuyển của xe. Hệ thống sẽ tính toán thời gian xe đến trạm bằng Kalman Filter (thuật toán dự đoán chuỗi thời gian) kết hợp phân tích và hiển thị mật độ lưu thông trên đường để tính ra thời gian chính xác xe buýt đến trạm, sai số dưới 1 phút.
Dịch vụ bSmartNavigation đưa ra giúp người dùng các đề xuất về các lựa chọn đi lại dựa trên tình trạng giao thông, chất lượng xe... nhằm đưa ra gợi ý đi đường thông minh, tối ưu theo nhu cầu người dùng.
Dựa vào các thuật toán được ứng dụng trên Busmap, dịch vụ bSmartTrip giúp tối ưu hóa việc đưa đón học sinh, công nhân viên đi làm, giao hàng của doanh nghiệp tốt nhất, quãng đường ngắn nhất, thời gian nhanh nhất...
Với dịch vụ đưa đón học sinh, dự án sẽ ứng dụng thêm nhiều tính năng quản lý bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt, quẹt thẻ ra vào cổng giúp phụ huynh biết được con mình lên, xuống xe. Phía nhà trường có thể sử dụng các dịch vụ về quản lý học vụ, phần ăn... phát triển mô hình trường học thông minh.
"Ứng dụng Busmap hiện nay có số lượng người dùng lớn, tạo ra nhiều dữ liệu nên nhóm muốn vận dụng nguồn dữ liệu này tăng thêm các dịch vụ, tiện ích thiết thực cho cộng đồng", Thanh nói và cho biết sắp tới nhóm sẽ cung cấp công nghệ bản đồ chuyển giao cho các doanh nghiệp để họ không bị phụ thuộc vào nền tảng bản đồ của nước ngoài.
Phần thưởng bSmart nhận được là 50 triệu đồng cùng với chương trình ươm tạo 200 triệu đồng mỗi năm. Năm dự án giải khuyến khích nhận phần thưởng 10 triệu đồng và cơ hội nhận gói ươm tạo của Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao.
AI Hack 2020 trước đây có tên gọi IoT Startup được Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao tổ chức thường niên từ năm 2016. Qua 4 năm tổ chức, 280 dự án khởi nghiệp tham gia, thu hút 40.000 lượt người quan tâm. Từ cuộc thi này, nhiều dự án đã phát triển thành các doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô như Drone Pro VN (thiết bị bay giao hàng), Signee (bảng hiệu thông minh), S3 (đèn đường thông minh)...
AI Hack được tổ chức nhằm hỗ trợ các dự án xây dựng giải pháp AI dựa trên tối ưu hóa dữ liệu hiện có, khai thác các giá trị tăng thêm từ các dữ liệu thu thập được thông qua các thiết bị IoT, góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm. Cuộc thi có khóa huấn luyện kéo dài 6 tuần nhằm chọn ra các dự án xuất sắc tham gia gọi vốn đầu tư. Tám dự án tham gia vòng chung kết tranh giải
Hầu hết các dự án đều đã có sản phẩm thương mại hóa trong các lĩnh vực công nghệ như: IoT, Bigdata, điện tử - tự động hóa, công nghệ thông tin... với mong muốn ứng dụng và phát triển nền tảng trí tuệ nhận tạo (AI), tích hợp và nâng cao giá trị tăng thêm cho sản phẩm của dự án.
Hà An