6h, anh Nguyễn Văn Tuấn ở Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) bừng tỉnh khi ánh sáng tự nhiên ùa vào phòng. Thay vì tiếng chuông báo thức như mọi khi, anh Tuấn chọn cách cài đặt để rèm tự động kéo ra vào khung giờ cần thức giấc.
Trên chiếc điện thoại thông minh, anh cũng tích hợp tất cả chương trình điều khiển, từ dàn âm thanh, tivi đến điều hòa. Nằm trên giường, anh có thể chọn cho mình bản nhạc yêu thích vào buổi sáng.
Điều khiến hệ thống ánh sáng bằng giọng nói. Video: Bích Ngọc, Đoàn Dương.
Anh Nguyễn Đình Nam, người sáng lập, Chủ tịch Công ty Cổ phần VP9, chọn ứng dụng thiết bị thông minh cho văn phòng. Cửa ra vào của công ty anh Nam không bao giờ đóng trong giờ làm việc. Việc giám sát thông qua hệ thống camera nhận dạng người. Bất cứ ai ra vào công ty sẽ được vào danh sách "nhận dạng" tự động và camera có nhiệm vụ cảnh báo khi có người lạ đi ra.
Phát triển hệ thống này, anh Nam chỉ cốt để đảm bảo nếu xảy ra cháy, lối đi không bị cửa chặn lại, nhân viên thoát hiểm dễ dàng.
Là dân công nghệ, anh Nam tìm cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc nhỏ nhất. Facebook cá nhân, anh dùng thuật toán của trí tuệ nhân tạo để đánh giá các lời mời kết bạn. Đây là phần mềm dạng mở rộng của trình duyệt Chrome, giúp phân tích dòng thời gian của bạn bè và những người gửi yêu cầu kết bạn. Thông qua từ khóa đại diện cho mỗi người, hệ thống có thể đánh giá mức độ uy tín của từng người để chọn lọc kết bạn, chống spam quảng cáo bán hàng.
“Tôi thử làm cách này để chọn lọc. Nếu người kết bạn hay đăng bài viết có giá trị, đúng mối quan tâm thì ưu tiên chấp nhận kết bạn. Ngược lại, những yêu cầu kết bạn đến từ account ảo chuyên quảng cáo bán hàng sẽ bị xóa ngay để đỡ mất thời gian”, anh Nam cho biết.
Nghe thì phức tạp nhưng đó chỉ là một trong số nhiều ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống đời thường. Trong nông nghiệp, trí tuệ nhân tạo có thể giúp người trồng biết rõ với mỗi loại cây, từng giai đoạn cần cung cấp lượng nước bao nhiêu thì đủ, các dưỡng chất cần bổ sung ra sao. Thậm chí ở một nơi cách vài chục cây số, người trồng có thể điều khiển hệ thống tưới khi điện thoại di động báo cây đang cần được cung cấp nước.
Ở các thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo giúp người quản lý sẽ biết rõ khu vực nào mức độ giao thông đang ở tình trạng ra sao; hệ thống ánh sáng công cộng đang vận hành như thế nào hoặc tình trạng an ninh công cộng… Tất cả thông tin đều được cung cấp tự động.
Trả lời các câu hỏi khó
Theo Phó giáo sư Ngô Quốc Tạo, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đừng nghĩ trí tuệ nhân tạo quá phức tạp. Nó là một ngành khoa học nghiên cứu mô phỏng các hành động của con người. Từ việc con người suy nghĩ, nói, làm về cái gì thì máy móc có thể thay thế.
“Máy không nghĩ thay được cho con người, nhưng lại là nơi lưu trữ dữ liệu khổng lồ. Bằng các thuật toán và phân tích dữ liệu, máy lại đưa ra những giải pháp thông minh không phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, cảm xúc như con người”, Phó giáo sư Tạo phân tích.
GS Nguyễn Thanh Thủy, nguyên Hiệu phó Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chính việc phân tích dữ liệu khổng lồ, trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra câu trả lời cho những vấn đề mà con người chưa tìm được lời giải.
Đơn cử trong y học, hiện một câu hỏi lớn ở Việt Nam ai cũng đặt ra là nhiều gia đình có người chết về ung thư, nhưng nguyên nhân vì cái gì? Số người mắc bệnh và chết vì ung thư của Việt Nam có nhiều hơn hay chỉ ngang với thế giới… đều chưa có câu trả lời thỏa đáng. “Nếu chúng ta cung cấp đủ dữ liệu đầu vào, máy sẽ giúp phân tích và có câu trả lời thuyết phục”, GS Thủy quả quyết.
Để máy đưa ra câu trả lời thì việc quan trọng là cung cấp dữ liệu, sau đó mới đến việc dùng thuật toán để mô phỏng xử lý các tình huống. Không chỉ trong y tế mà các ngành giao thông, nông nghiệp, giáo dục… nếu có đủ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo đều có thể hỗ trợ tối đa cho con người.
Trí tuệ nhân tạo được nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển và ứng dụng vào thực tế. Gần như mọi quảng cáo trên Internet đều là lựa chọn của các thuật toán có ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc trả lời tự động. Viện Công nghệ thông tin còn phát triển phần mềm tự động chuyển lời nói thành văn bản.
Tuy nhiên, ông Tạo cho biết, hiện việc ứng dụng mới mang tính chất thí nghiệm qua các mô hình nhỏ lẻ. Nguyên nhân là chi phí ban đầu cho các thiết bị rất đắt, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn nguồn lực đầu tư. Những bài toán mang tầm quốc gia thì cần dữ liệu lớn.
Thế nhưng theo GS Thủy, hiện từng ngành đang quản lý số liệu của mình và cũng không dễ dàng chia sẻ và phân loại. Vì vậy rất cần Chính phủ vào cuộc chỉ đạo để Việt Nam tham gia cuộc chơi “big data”, khi đó mới mong muốn giải được bài toán của Việt Nam.