Mohammed Zorab cầm bát tới khắp các ngôi trường đã trở thành khu tị nạn ở thành phố cực nam Dải Gaza. Cậu cũng tìm tới các khu lều trại tạm bợ ven đường, các bệnh viện chật kín người bị thương, bất cứ nơi nào có nồi nước sôi bắc trên bếp lửa.
Vào một số thời điểm nhất định, sống sót để có thể ra ngoài tìm thức ăn với cậu đã là điều đáng mừng.
"Gia đình rất vui khi cháu mang thực phẩm về, mọi người ăn cùng nhau. Mỗi khi về tay không, cháu lại buồn", Zorab, con cả trong gia đình 4 người con, nói khi đứng cùng những đứa trẻ khác trạc tuổi cậu, tay cũng ôm những chiếc bát rỗng.
Gia đình Zorab hiện sống trong một chiếc lán tạm bợ bằng vải bạt tại Rafah. Thành phố này đang là tâm điểm của chiến sự Israel - Hamas. Quân đội Israel đang có kế hoạch tiến công Rafah, nơi họ cho là có những cứ điểm cuối cùng của lực lượng Hamas, song cũng là nơi khoảng 1,5 triệu dân Palestine đổ về sau khi chạy nạn khỏi các thành phố khác ở dải đất.
Trong bối cảnh khó khăn, Zorab trở thành một trong hàng nghìn đứa trẻ ở Rafah hàng ngày đi tìm thực phẩm cho gia đình. Cha cậu cũng phải lang thang khắp thành phố để làm những công việc lặt vặt, kiếm được khoảng 1,38 USD mỗi ngày để mua tã cho cô con gái hai tháng tuổi.
Zorab hôm đó về căn lán với một bát đậu hầm, sau khi tự hào kể với các phóng viên về kỹ năng "chen hàng" của mình mà không gây ẩu đả. "Có gần 100 người xếp hàng trước mặt, cháu lẻn vào giữa mà không ai biết", cậu bé kể.
Samar, mẹ cậu, đỡ bát đậu, chia cho những đứa trẻ khác. Người phụ nữ 31 tuổi này rất gầy, hầu như không ăn uống gì. "Tôi bị ung thư xương, nhìn như 60 tuổi. Tôi không thể đi lại được, nếu đi bộ sẽ rất mệt. Toàn thân tôi đau nhức, cần bổ sung dinh dưỡng và được điều trị", Samar nói.
Giống hàng triệu người Palestine khác, gia đình Zorab đến Rafah sau khi chạy nạn khỏi Khan Younis ba tháng trước.
85% dân số Dải Gaza hiện tập trung ở thành phố này, khiến lượng hàng viện trợ đổ về không còn thấm tháp. Theo Liên Hợp Quốc, Rafah cần 500 xe tải chở hàng viện trợ mỗi ngày, gấp nhiều lần so với trung bình 90 xe hiện nay.
Các tổ chức từ thiện đang sử dụng những gì còn sót lại từ nguồn thực phẩm của chính các nhân viên để cấp cho người dân Gaza.
Ngày hôm đó, Zorab nhận bát đậu hầm từ tổ chức từ thiện Pious Projects of America, trụ sở ở Mỹ. Tổ chức này cũng hết gas, khiến các tình nguyện viên phải đi tìm củi nấu đậu. "Không khí thật u ám, thảm khốc", một tình nguyện viên nói.
Trong khi đó, tình hình ở miền bắc Gaza cực kỳ tồi tệ. Các chuyến xe tải viện trợ ở khu vực này không còn được lực lượng an ninh hộ tống, thường xuyên đối mặt với tình trạng cướp bóc, dính đòn không kích.
Action Aid, tổ chức từ thiện Anh, dẫn lời các bác sĩ cho biết 1/6 trẻ dưới hai tuổi tại các nơi ẩn náu ở miền bắc Gaza bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
Bác sĩ Amjad Aliwa tại bệnh viện Al-Shifa ở khu vực này cho biết anh đã điều trị cho một cậu bé hai tháng tuổi tên Mahmoud Fatouh, nhưng cậu bé qua đời không lâu sau khi được đưa đến bệnh viện.
"Đứa trẻ không được bú sữa. Mẹ cháu cũng không đủ ăn để có sữa. Khi đến bệnh viện, cháu bé bị mất nước nghiêm trọng và đã trút hơi thở cuối cùng", bác sĩ Aliwa kể.
Đức Trung (Theo BBC)