Chuyên gia kiểm soát dịch bệnh Trương Bá Lạp cảnh báo Song Hoàng Liên, được điều chế từ cây kim ngân và một số loại cây khác, có thể gây ra một số tác dụng phụ. Giới chuyên gia Trung Quốc khuyến cáo dân chúng không nên sử dụng các biện pháp truyền thống nếu chưa có hướng dẫn từ bác sĩ.
Tờ People's Daily ngày 1/2 đăng khuyến cáo rằng "ức chế không đồng nghĩa với ngăn chặn và điều trị virus corona" và nhắc nhở người dân không nên đổ xô đi mua Song Hoàng Liên.
Những khuyến cáo này được đưa ra khi dân Trung Quốc lùng mua loại thảo dược dạng lỏng thường được dùng để chữa sốt, ho và viêm họng, bất chấp chính quyền cảnh báo tránh tập trung đông người để phòng virus lây lan. Các trang thương mại điện tử đã cháy hàng Song Hoàng Liên, nhiều người xếp hàng xuyên đêm ngoài các hiệu thuốc khắp Trung Quốc để mua thảo dược này.
Trung Quốc đang tìm cách sử dụng các liệu pháp y học cổ truyền trong cuộc chiến chống viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV), dịch bệnh khởi phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019 và lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành nước này. Tính đến ngày 2/2, 304 người ở Trung Quốc và một người ở Philippines thiệt mạng, hơn 14.500 ca dương tính với nCoV được ghi nhận. Dịch đã xuất hiện ở 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.
6.000 nhân viên y tế cổ truyền đã được Bộ Y tế Trung Quốc cử đến tâm dịch Vũ Hán. Các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu công dụng tiềm năng của các loại thảo dược trong giảm triệu chứng của viêm phổi cấp do nCoV. Tuy nhiên, hiện chưa có trường hợp nào chứng minh Song Hoàng Liên hoặc các loại thảo dược truyền thống có khả năng điều trị nCoV.
Chuyên gia Marc Freard thuộc Hội đồng Học thuật Y học Trung Hoa cho biết các công thức truyền thống có thể dùng trong điều trị cho những người có triệu chứng như sốt hay nhiều đờm. "Nhiều biện pháp giảm triệu chứng trên thị trường có chất lượng không đáng tin. Các loại thuốc cổ truyền Trung Quốc thiếu tiêu chuẩn khoa học về tính hiệu quả bởi chúng phụ thuộc vào điều trị cá nhân", Freard nói.
Trong đợt bùng phát Hội chứng hô cấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003, nhiều loại thuốc truyền thống được kết hợp sử dụng rộng rãi với liệu pháp phương Tây. Song một nghiên cứu được công bố năm 2012 trong cơ sở dữ liệu tổng quan hệ thống của Cochrane cho thấy "không có khác biệt" khi sử dụng liệu pháp "đông tây y kết hợp" trong điều trị SARS.
Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ đang nỗ lực điều chế vắcxin ngăn virus corona nhưng dự kiến vài tháng nữa mới đi vào thử nghiệm và phải mất tới hơn một năm loại vắcxin này mới được sản xuất hàng loạt.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)