Phát biểu tại hội nghị quốc tế về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giao thông sáng 11/12 tại Đại học giao thông vận tải phân hiệu TP HCM, ông Lâm cho biết, giao thông hàng không thành phố chiếm 26% của cả nước với 41 triệu hành khách, cảng biển chiếm 20%, đường bộ chiếm hơn 33%... TP HCM có mật độ dân số trung bình tới 4.150 người mỗi km2, ở các quận trung tâm thì mật độ dân số gấp đôi nên áp lực về giao thông là rất lớn.
Theo ông Lâm, ngành giao thông hiện đẩy mạnh phát triển các tuyến tàu điện ngầm, giao thông công cộng, đường vành đai... tuy nhiên nếu chỉ dừng ở đó thì không thể phát triển bài toán giao thông. Bên cạnh phát triển giao thông công cộng cần có giải pháp tối ưu hóa về giao thông ứng dụng khoa học công nghệ.
Năm ngoái, TP HCM thành lập trung tâm quản giao thông đô thị quản lý giao thông ở quận 1, 3, 4, 5, 10, Tân Bình và trục đường Mai Chí Thọ kết nối cảng Cát Lái. Hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động từ trung tâm điều hành với 36 kịch bản, 3 cặp đường làn sóng xanh (Green wave), 72 camera giám sát tốc độ, 100 camera đo đếm lưu lượng, các trạm cân tự động....
Để tối ưu hóa, kịp thời phát hiện các sự cố, thông tin kịp thời cho người dân để họ đi lại thuận lợi nhất, ông Lâm cho rằng cần phải ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo. Cụ thể, khi có sự cố ở một vị trí nào đó, với lưu lượng xe ở thời điểm hiện tại, dự báo ùn tắc như thế nào. Dựa vào dữ liệu, trí tuệ nhân tạo sẽ đưa ra các kịch bản giao thông điều tiết, xe chuyển hướng ra sao để thông tin người dân.
"Tôi đặt hàng với nhà khoa học, các nhà phát triển phần mềm, đơn vị nghiên cứu AI làm vấn đề này để giải quyết những vấn đề giao thông phù hợp với hiện trạng của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung", ông Lâm nói và bày tỏ sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp của những tổ chức, cá nhân và nhà khoa học có đam mê và quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề giao thông của thành phố.
Về phía nhà trường, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Đại học Giao thông Vận tải chia sẻ, những năm gần đây, nhà trường đã xây dựng các nhóm nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giao thông vận tải với nhiều sản phẩm nghiên cứu được áp dụng trong thực tiễn. Hội thảo đã nhận được đóng góp của nhiều nhà khoa học đến từ 11 quốc gia với 14 bài phát biểu quan trọng và 28 bài báo khoa học về ứng dụng AI trong giao thông.
"Chúng tôi tin tưởng rằng những kiến thức, kinh nghiệm chia sẻ tại hội thảo hôm nay sẽ đem lại nhiều điều bổ ích cho các đại biểu tham dự, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải và thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và các cấp chính quyền", PGS Long nói.
Hà An