Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus được bầu làm tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/7/2017 theo nhiệm kỳ 5 năm, trở thành quan chức y tế quyền lực nhất thế giới.
Tuy nhiên, tháng 5/2017, trước khi ông nắm giữ vị trí này, nhiều câu hỏi được đặt ra về sự phù hợp của ông đối với cương vị một chuyên gia sức khỏe toàn cầu. Trong một cuộc phỏng vấn với NYTimes khi đó, giáo sư Larry Gostin, một chuyên gia y tế toàn cầu, đã cáo buộc rằng Tiến sĩ Tedros không thừa nhận ba đợt bùng phát dịch tả ở Ethiopia, khi ông còn là Bộ trưởng Y tế nước này.
Giáo sư Gostin cho rằng Tedros đã che giấu dịch tả ở Ethiopia trong ba đợt bùng phát khác nhau, lần lượt vào các năm 2006, 2009 và 2011. Tedros là Bộ trưởng Y tế Ethiopia từ năm 2005 đến 2012, trước khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng nhiệm kỳ 4 năm, đến 2016.
"Tiến sĩ Tedros là một quan chức y tế cộng đồng có lòng trắc ẩn và năng lực tốt. Nhưng ông ấy còn có nghĩa vụ nói lên sự thật và thành thật ghi nhận, báo cáo các đợt bùng phát dịch tả đã được xác minh trong một thời gian dài", Gostin, người hiện giữ chức giám đốc Trung tâm hợp tác Luật Sức khỏe Cộng đồng và Nhân quyền của WHO, nói trong cuộc phỏng vấn với NYTimes 3 năm trước.
Giáo sư Gostin bày tỏ lo ngại rằng WHO "có thể mất tính chính danh" khi được điều hành bởi đại diện một quốc gia từng che đậy dịch bệnh.
Tedros đã chiến thắng trong cuộc đua trở thành Tổng giám đốc WHO năm 2017, nhưng nhiều tháng sau khi nhậm chức, ông hứng chịu nhiều chỉ trích khi không ghi nhận dịch tả bùng phát ở Sudan, nước láng giềng Ethiopia.
Tháng 9/2017, một nhóm bác sĩ Mỹ chuyên về các bệnh truyền nhiễm đã viết thư ngỏ gửi Tedros, cáo buộc ông và WHO từ chối xác nhận một ổ dịch tả ở Sudan, cho rằng động thái này của WHO là nhằm bảo vệ danh tiếng của tổ chức trên trường quốc tế.
"Sự im lặng của ông trước dịch tả rõ ràng ở Sudan ngày càng trở nên đáng trách. Việc ông không cho chuyển mẫu phân của bệnh nhân ở Sudan đến Geneva, Thụy Sĩ để xác nhận chính thức dịch bệnh khiến ông hoàn toàn đồng lõa với việc để cho sự đau khổ và những cái chết khủng khiếp tiếp tục lan rộng, vượt tầm kiểm soát, trong khi các báo cáo mới hàng ngày xác nhận đây thực sự là dịch tả", thư của các bác sĩ Mỹ viết. "Lịch sử về dịch bệnh này chắc chắn sẽ ghi tên ông".
Cả hai đợt bùng phát dịch ở Ethiopia và Sudan đều được WHO gọi là "bệnh tiêu chảy cấp tính" thay vì dịch tả. Nhiều ý kiến cho rằng bằng cách giấu dịch tả khi còn là Bộ trưởng Y tế Ethiopia, Tedros tiếp tục trở thành Ngoại trưởng đến năm 2016. Còn đối với ổ dịch Sudan, WHO nhấn mạnh rằng tên gọi của bệnh không làm thay đổi cách ứng phó dịch.
Tedros, 55 tuổi, người có bằng Tiến sĩ Đại học Nottingham và bằng Thạc sĩ của Đại học London, năm 2017 từng phủ nhận các cáo buộc trên với NYTimes. Ông nói mình là nạn nhân của chiến dịch bôi nhọ vào phút chót nhằm ngăn việc ông được ngồi vào ghế "quan chức y tế hàng đầu thế giới". Tedros giải thích rằng dịch bệnh xảy ra ở những vùng hẻo lánh ở Ethiopia, gây khó khăn cho công tác xét nghiệm.
Giáo sư Gostin tuần trước từ chối bình luận với Telegraph, nói rằng các cuộc phỏng vấn của NYTimes đã được thực hiện từ lâu. Trên Tạp chí Y khoa Anh, Gostin lại nói rằng các ý kiến của ông được NYTimes đăng tải "không chính xác".
"Tiến sĩ Tedros lúc bấy giờ là Bộ trưởng Y tế, có thể ông ấy cũng đã cố gắng hết sức để báo cáo chính xác với WHO nhưng bị chính phủ Ethiopia ngăn cản", Gostin nói. Gostin cũng ca ngợi Tedros và trách nhiệm tuyệt vời trên cương vị là Bộ trưởng Y tế Ethiopia, bao gồm cả những cải cách về hệ thống y tế.
Tổng giám đốc WHO gần đây vấp phải những chỉ trích từ nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, về phản ứng đối với đại dịch Covid-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cáo buộc Tedros "thiên vị Trung Quốc" trong nỗ lực chống nCoV và đe dọa sẽ cắt viện trợ cho WHO.
Ít ngày sau khi Trump lên tiếng, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Chuck Grassley viết thư gửi WHO, chỉ trích cơ quan này chậm đưa ra cảnh báo toàn cầu về Covid-19. Tuy nhiên, Tedros bác bỏ các cáo buộc này, đồng thời kêu gọi các bên không "chính trị hóa" nCoV.
Mai Lâm (Theo Telegraph)