Sáng 19/11, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tham dự phiên họp có Chủ tịch nước Lương Cường; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng ban Tổ chức trung ương Lê Minh Hưng.
Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Tô Lâm nói tổng kết Nghị quyết 18 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt nhất. "Phải thật khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở", ông Lâm nói.
Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo phải chủ động không chờ đợi các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Tổng Bí thư lưu ý quá trình tổng kết phải khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn; xác định rõ những yếu kém, bất cập, nguyên nhân; đề xuất, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông. Tinh thần là một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Quá trình thực hiện, phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn đặt ra.
Tinh gọn bộ máy là việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người trong từng tổ chức, nhất là khi đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức nên Tổng Bí thư cho rằng cần có sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.
Việc tinh gọn bộ máy cần gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, biên chế hợp lý. Công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ cần theo hướng thực chất, việc tìm người, dựa vào sản phẩm cụ thể đo đếm được. "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ", ông Lâm nói.
Đồng thời, các cơ quan có cơ chế hữu hiệu để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Thường trực Ban chỉ đạo cần tập trung nghiên cứu, làm rõ các nguyên tắc xuyên suốt, tiêu chí cụ thể trong từng nội dung để hướng dẫn cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhất quán và tham mưu, đề xuất mô hình mới. Mục tiêu là bộ máy mới đi vào hoạt động hiệu quả ngay. Những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do cải cách về tổ chức cần được đảm bảo quyền lợi.
Thường trực Ban chỉ đạo cũng đề xuất cụ thể tinh gọn các ban đảng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Quốc hội, đoàn thể. Mô hình bên trong từng cơ quan sau khi sáp nhập, hợp nhất cũng cần được nghiên cứu.
Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng với tư duy, nhận thức mới đã thông suốt, với khí thế, quyết tâm cao, thống nhất về tư tưởng và hành động, "chúng ta sẽ tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo nền tảng để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc".
Hôm 16/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính lập Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18 Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả của Chính phủ, do ông làm trưởng ban.
Hai ngày sau, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội do ông làm Trưởng ban.
Viết Tuân