"Israel phải lập tức đình chỉ cuộc tấn công quân sự và những hành động có khả năng phá hủy một phần hoặc toàn bộ điều kiện sinh sống của cộng đồng người Palestine ở tỉnh Rafah", Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cho biết trong phán quyết được công bố hôm nay.
ICJ cũng yêu cầu Israel mở cửa khẩu Rafah để đưa nguồn hàng cứu trợ vào khu vực và cho phép các nhà điều tra tiếp cận địa điểm này, thêm rằng những biện pháp như sơ tán cư dân là không đủ để xử lý tình trạng khốn khổ của người Palestine tại đây. Tel Aviv sẽ có một tháng để báo cáo cho ICJ về tiến độ thực hiện những yêu cầu trên.
Phán quyết được đưa ra hai tuần sau khi Nam Phi đệ trình kiến nghị kêu gọi ICJ ra lệnh cho Israel thực thi lệnh ngừng bắn và đình chỉ chiến dịch tấn công Dải Gaza.
Giới chức Israel chưa bình luận về thông tin.
Phát ngôn viên của Tổng thống Palestine hoan nghênh động thái này, cho rằng nó thể hiện "sự đồng thuận quốc tế" về chấm dứt chiến dịch của Israel tại Dải Gaza.
ICJ, cơ quan tư pháp tối cao của Liên Hợp Quốc, là tòa án hàng đầu thế giới đứng ra giải quyết những khiếu nại pháp lý giữa các quốc gia về cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế. Phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc, nhưng cơ quan này không có phương thức đảm bảo thực thi phán quyết. ICJ từng yêu cầu Nga ngừng chiến dịch ở Ukraine, song Moskva không tuân thủ.
Khi được hỏi liệu Israel có tuân thủ nếu ICJ yêu cầu nước này ngừng chiến dịch trên bộ ở Rafah hay không, phát ngôn viên chính phủ Israel Avi Hyman ngày 23/5 khẳng định "không thế lực nào trên Trái Đất có thể ngăn Tel Aviv bảo vệ người dân của mình và săn đuổi Hamas tại Dải Gaza".
Trong trường hợp Israel phớt lờ phán quyết của tòa án, vấn đề sẽ được đưa lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi Mỹ có thể sẽ đứng về phía đồng minh Israel bằng cách dùng quyền phủ quyết.
Dù vậy, áp lực về pháp lý từ cộng đồng quốc tế lên Israel sẽ gia tăng, trong bối cảnh công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm 20/5 cho biết đang xin lệnh bắt các lãnh đạo cấp cao của Israel và Hamas, với cáo buộc về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại liên quan xung đột ở Dải Gaza.
Trong phiên điều trần ở ICJ tuần trước, đại diện Nam Phi cáo buộc "tội ác diệt chủng" của Israel đã đạt đến "giai đoạn mới và rất khủng khiếp" khi nước này tấn công Rafah, nơi có hơn 1,4 triệu người đang ẩn náu sau khi chạy nạn từ các khu vực khác ở Dải Gaza.
Luật sư của Israel cho rằng cáo buộc của Nam Phi "hoàn toàn xa rời" thực tế và đang "nhạo báng" Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng của Liên Hợp Quốc. Nam Phi tuyên bố Israel vi phạm các nghĩa vụ được quy định trong công ước này.
Vũ Anh (Theo Reuters)