"Vụ tập kích không phải tình huống xui rủi, hy hữu thả bom sai vị trí", Jose Andres, người sáng lập tổ chức Bếp ăn Trung tâm Thế giới (WCK) của Mỹ, ngày 3/4 bình luận với truyền thông quốc tế.
Ông khẳng định nhân sự của tổ chức đã báo trước lộ trình đoàn xe cứu trợ vào đêm 1/4, nhưng cuối cùng vẫn trúng tập kích của Israel khi rời khỏi kho hàng tại thị trấn duyên hải Deir al-Balah ở miền trung Dải Gaza.
Ông nói quân đội Israel đã tấn công "có tính hệ thống, nhắm vào từng chiếc xe" trong đoàn cứu trợ. Hai trong ba ôtô bị phá hủy là xe chống đạn, dán rõ logo của WCK. Khu vực xảy ra tập kích đã được Israel xác định từ trước là vùng không giao tranh.
"Đây là vụ tấn công trực diện nhắm vào xe có dấu hiệu nhận diện rõ ràng là tổ chức nhân đạo. Mọi cá nhân trong Lực lượng Vũ trang Israel (IDF) đều biết lộ trình của chúng tôi", ông nói.
Vụ tập kích khiến 7 tình nguyện viên WCK thiệt mạng, trong đó có công dân Mỹ, Australia, Ba Lan, Anh và Palestine. Thi thể 6 tình nguyện viên nước ngoài đã được chuyển đến Ai Cập vào ngày 2/4 để đưa về các nước, còn nhân sự Palestine đã được chôn cất ở quê nhà Rafah phía nam Dải Gaza.
Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi ngày 3/4 nói vụ tập kích đoàn xe WCK là "sai lầm nghiêm trọng" khi quân đội nhận diện sai mục tiêu trong đêm. Giới chức Israel cam kết điều tra toàn diện sự việc "ở cấp độ cao nhất".
Trong khi đó, một số tổ chức nhân đạo khác cũng cáo buộc IDF đang nhắm mục tiêu vào tình nguyện viên. Họ lo ngại Israel đang cản trở một cách có hệ thống các nỗ lực vận chuyển hàng cứu trợ cho dân thường, hoặc cơ chế do Israel thiết lập để bảo vệ tình nguyện viên trong vùng xung đột đã thất bại toàn diện.
Liên Hợp Quốc ước tính cuộc chiến của Israel tại Dải Gaza đã khiến gần 200 tình nguyện viên nhân đạo thiệt mạng, trong đó có hơn 175 nạn nhân trong biên chế tổ chức này.
"Israel đang là bên gieo rắc nhiều chết chóc nhất đối với tình nguyện viên nhân đạo, nhiều hơn mọi quân đội, tổ chức dân quân hay tổ chức khủng bố khác trên thế giới cộng lại", Jan Egeland, lãnh đạo nhóm Hội đồng Người tị nạn Na Uy, cáo buộc.
Egeland nhấn mạnh sự việc ngày 1/4 cần được xem là hồi chuông thức tỉnh với các bên về thực thi lệnh ngừng bắn lâu dài. Bushra Khalidi, cố vấn về Palestine cho tổ chức Oxfam của Anh, cho biết các tình nguyện viên tại Dải Gaza đang vô cùng lo ngại và phải hạn chế hoạt động sau vụ tập kích đoàn xe cứu trợ WCK.
"Đang diễn ra tình trạng tấn công có chủ đích và có tính hệ thống nhắm vào nỗ lực cứu trợ nhân đạo. Chúng tôi nhận thấy thái độ xem thường có hệ thống đối với mạng lưới giảm rủi ro giao tranh", bà nêu cáo buộc nhắm vào IDF.
Trong khi đó, Benjamin Gaudin, lãnh đạo bộ phận Trung Đông của tổ chức Ưu tiên Khẩn cấp Quốc tế (PUI) tại Pháp, cho rằng nền tảng liên lạc đặc biệt do Israel thiết lập cho các nhóm tình nguyện viên nhân đạo ở Dải Gaza đang có bất cập nghiêm trọng về thông tin.
"Nền tảng này không còn đảm bảo an toàn cho chúng tôi. Nhiều sự cố vẫn xảy ra dù họ đã có hệ thống này. Vụ tập kích cho thấy Israel không kiểm soát được quân đội ở Dải Gaza và để họ tấn công bừa bãi, hoặc không đoái hoài chuyển tiếp thông tin đến tiền tuyến như đã hứa với các tổ chức nhân đạo", ông lo ngại.
Thanh Danh (Theo BBC, AFP)