Lầu Năm Góc ngày 13/10 thông báo sẽ triển khai một tổ hợp Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và khoảng 100 binh sĩ vận hành tới Israel. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định động thái này "nhằm bảo vệ Israel", giữa lúc quốc gia đồng minh đang cân nhắc đòn trả đũa sau khi bị Iran tấn công tên lửa hồi đầu tháng.
THAAD là một trong những lá chắn phòng thủ tên lửa hiện đại nhất trong biên chế quân đội Mỹ hiện nay. Đây cũng là hệ thống phòng không duy nhất của Mỹ có khả năng chặn tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn đến tầm xa ở giai đoạn cuối, khi chúng đang lao xuống mục tiêu, ở cả trong và ngoài khí quyển.
Đạn đánh chặn của THAAD có tầm bắn 200 km và trần bay 150 km, trang bị cảm biến ảnh nhiệt để bám bắt mục tiêu và phá hủy chúng bằng va chạm trực tiếp, không dùng thuốc nổ. Điều này khiến THAAD có tính năng và nhiệm vụ tương tự lá chắn tên lửa tầm xa Arrow 3 của Israel.
Tướng về hưu Zvika Haimovich, cựu tư lệnh phòng không Israel, nhận định THAAD sẽ không thay thế những hệ thống hiện có. "Tổ hợp này nhằm cung cấp thêm hỏa lực. Mỗi khẩu đội đi kèm với hàng chục tên lửa đánh chặn sẽ tăng đáng kể năng lực phòng thủ cho Israel", ông nói.
Tướng Haimovich nhận định Israel và các đồng minh đã phóng không dưới 200 tên lửa đánh chặn để đối phó với đợt tập kích của Iran ngày 1/10. Tuy nhiên, lưới phòng không đa tầng của Israel đã bị quá tải khi lượng lớn tên lửa Iran lao tới mục tiêu, trong đó căn cứ Nevatim trọng yếu hứng tới gần 40 quả đạn.
"Nếu Iran sử dụng nhiều tên lửa hơn trong cuộc tấn công tiếp theo, tổ hợp THAAD sẽ tăng cơ hội đánh chặn mục tiêu và bảo đảm năng lực phòng thủ của Israel", ông giải thích.
Haimovich nói rằng quyết định của Mỹ là một phần trong cam kết với liên minh phòng thủ và quan hệ với Israel. THAAD là một trong nhiều phương tiện chiến đấu được hai nước phối hợp phát triển và vận hành.
"Quyết định này gửi thông điệp về liên minh chiến lược mạnh mẽ và ổn định tới khắp Trung Đông, cho thấy Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Israel phòng thủ. Đây vừa là biện pháp răn đe, vừa nhằm đối phó mối đe dọa thực sự từ tên lửa của Iran và các nhóm vũ trang thân Tehran trong khu vực", ông nói.
Aaron David Miller, chuyên gia về Trung Đông tại Mỹ, nhận định triển khai THAAD cho thấy Mỹ dự đoán Israel trả đũa Iran "toàn diện hết mức", bất chấp nguy cơ hứng đòn đáp trả nghiêm trọng.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu từng nhiều lần xảy ra bất đồng xoay quanh các chiến dịch quân sự tại Trung Đông, nhưng quyết định đưa tổ hợp THAAD đến Israel trước khi diễn ra đòn trả đũa nhằm vào Iran dường như cho thấy ông chủ Nhà Trắng vẫn tin tưởng các cam kết của Tel Aviv về tránh leo thang căng thẳng với Tehran.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng đây có thể là con dao hai lưỡi, cho phép Israel hành động quyết liệt hơn.
"Một khi hệ thống này được triển khai và lính phòng không Mỹ trực tiếp bảo vệ Israel, liệu Thủ tướng Benjamin Netanyahu có còn động lực giữ lời hứa và tránh tấn công các mục tiêu nhạy cảm hay không?", Harrison Mann, cựu chuyên gia Cơ quan Tình báo Quân đội Mỹ (DIA), bày tỏ hoài nghi.
Sau thông báo triển khai THAAD đến Israel, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cảnh báo Washington đang "đặt tính mạng công dân vào chỗ nguy hiểm", đề cập khả năng kíp vận hành THAAD nằm trong khu vực bị tấn công.
Chuyên gia Mann cho rằng phát biểu này là có cơ sở và các binh sĩ Mỹ vận hành tổ hợp THAAD ở Israel sẽ đối mặt với rủi ro rõ ràng.
"Họ sẽ đóng quân tại căn cứ Israel, vốn là những mục tiêu mà Iran đã chứng minh quyết tâm và khả năng tấn công. Kể cả với giả định lạc quan phi lý rằng THAAD có thể chặn mọi tên lửa đạn đạo, không có gì bảo đảm rằng quân nhân Mỹ sẽ an toàn trước máy bay không người lái (UAV). Loại phương tiện chiến đấu này từng xâm nhập vùng trời và đánh trúng căn cứ Israel", ông nói.
Chuyên gia Miller cũng bày tỏ lo ngại quyết định triển khai THAAD tại Israel sẽ làm tăng nguy cơ binh sĩ Mỹ thương vong, khiến nước này bị kéo vào xung đột quy mô lớn ở Trung Đông. "Nếu tên lửa Iran bắn trúng vị trí lính Mỹ, hoặc dân quân thân Iran gây thương vong cho binh sĩ nước này, nhiều khả năng Mỹ sẽ phải mở chiến dịch quân sự nhằm vào Iran", ông nói.
Mỹ bắt đầu triển khai lực lượng phòng không tại Trung Đông hồi Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990-1991. Hoạt động này diễn ra liên tục từ đầu những năm 2000, khi hàng nghìn binh sĩ Mỹ tới Israel hai năm một lần để diễn tập đối phó các mối đe dọa phức tạp trên nhiều mặt trận.
Một hệ thống THAAD hoàn chỉnh gồm đài điều khiển, radar đa chức năng AN/TPY-2, thiết bị kỹ thuật và 6 bệ phóng với tổng cộng 48 đạn sẵn sàng khai hỏa, thường cần khoảng 100 binh sĩ vận hành. Trước Israel, Mỹ từng triển khai THAAD ở khu vực Thái Bình Dương, Hàn Quốc, Romania và đặt radar AN/TPY-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguyễn Tiến (Theo Washington Post, Ynet, AFP)