Xinhua hôm 15/11 đưa tin ông Tống Đào, Vụ trưởng Vụ Quốc tế thuộc Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), ngày mai sẽ tới Bình Nhưỡng để thông báo với phía Triều Tiên về kỳ đại hội đảng lần thứ 19 diễn ra ở Trung Quốc hồi tháng trước.
Động thái trên được thực hiện chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến thăm Bắc Kinh. Đây là một phần trong chuyến công du châu Á gần hai tuần của ông chủ Nhà Trắng.
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn không ngớt tung ra những lời đe dọa, chỉ trích nhằm về phía nhau, việc Trung Quốc quyết định gửi quan chức cấp cao nhất tới Triều Tiên trong hơn hai năm trở lại đây có thể mang đến cơ hội giúp giảm căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định đặc phái viên mà Trung Quốc phái đi chắc chắn sẽ phải đối diện hàng loạt thách thức khi đặt chân tới Triều Tiên, theo AP.
Cơ hội xuống thang căng thẳng
Ông Trump lâu nay vẫn kêu gọi Trung Quốc gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Tại Bắc Kinh hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ tiếp tục thúc giục Chủ tịch Trung Quốc về vấn đề này và ông Tập đã trả lời rằng Bắc Kinh "sẽ gia tăng trừng phạt", theo nội dung thông điệp mà ông Trump đăng lên Twitter hôm 11/11.
"Tín hiệu lạc quan là ông Donald Trump dường như đã thuyết phục được người Trung Quốc và có thể Trung Quốc đang nghiêm túc xem xét vấn đề khi cử một phái viên tới Bình Nhưỡng để thảo luận về chương trình hạt nhân", Robert Kelly, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, nhận định. "Nhưng cũng có khả năng đây chỉ là một cuộc trao đổi thông tin. Người Triều Tiên muốn biết nhiều hơn về những gì đang diễn ra".
Thời điểm Trung Quốc gửi đặc phái viên "gợi ý khá rõ ràng" rằng họ đang muốn truyền đi tín hiệu phản hồi trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, ông Kelly nói thêm. "Nhưng các tổng thống Mỹ trước đây đều đã thúc ép Trung Quốc về Triều Tiên nhưng Trung Quốc chưa bao giờ đáp lại".
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay đặc phái viên Tống chỉ có nhiệm vụ thông báo cho các lãnh đạo Triều Tiên về kỳ đại hội 19. Ông từ chối trả lời chi tiết câu hỏi liệu phái viên Trung Quốc có thảo luận về tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng hay không.
"Ông Tống sẽ chia sẻ quan điểm về những vấn đề quan trọng đôi bên cùng quan tâm", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Bước tiến nhỏ
Theo cây bút Eric Talmadge từ AP, cũng có khả năng Chủ tịch Tập đang muốn khai phá một mối quan hệ mới với Triều Tiên khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.
Bắc Kinh vốn không muốn tạo ra hỗn loạn ở biên giới bằng cách đẩy Bình Nhưỡng vào khủng hoảng. Bên cạnh đó, việc mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Triều Tiên cũng đang đem lại lợi ích cho Trung Quốc khi mà nó giúp họ tạm thời tránh được cảnh đối đầu với Mỹ trên mặt trận thương mại hay vấn đề Biển Đông, Hoa Đông.
Song giới chức Trung Quốc cũng chia sẻ quan điểm phản đối của Washington trước chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi.
Một số nhà quan sát Triều Tiên cho rằng Bắc Kinh, bên đồng tình với các lệnh trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng nhưng vẫn nhấn mạnh giải pháp ngoại giao và đối thoại, có thể sẽ cân nhắc khả năng tổ chức một cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Triều Tiên. Ông Kim chưa xuất ngoại cũng như chưa gặp một nguyên thủ nước ngoài nào kể từ thời điểm lên nắm quyền hồi cuối năm 2011 tới nay.
Tuy nhiên, chuyến thăm của đặc phái viên Tống sẽ chỉ giống như một bước tiến nhỏ thay vì một thành công lớn, Talmadge đánh giá.
Dù ông Tống là quan chức cấp bộ Trung Quốc đầu tiên đến Triều Tiên kể từ tháng 10/2015, ông lại không có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào tới các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân để quay về bàn đàm phán. Vì vậy, triển vọng trên phương diện này khá mờ mịt, Talmadge nhận xét.
Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng, đồng thời cung cấp nguồn nhiên liệu cho Triều Tiên. Nhưng bất kể thực tế trên, rất ít chuyên gia tỏ ra đồng tình với đánh giá của Tổng thống Trump cho rằng áp lực từ Bắc Kinh có thể là giải pháp cho khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên vẫn một mực khẳng định không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng coi đó là cứu cánh giúp họ bảo vệ an ninh quốc gia trước những mối đe dọa từ "kẻ thù" bên ngoài.
Bình Nhưỡng cũng không ngại ngần chỉ trích Bắc Kinh vì cái mà họ coi là sự sẵn sàng thỏa hiệp với Tổng thống Trump, dù các mối quan hệ kinh tế và lịch sử giữa Trung Quốc và Triều Tiên luôn gần gũi kể từ cuộc chiến tranh liên Triều hồi đầu những năm 1950.
Trong khi đó, các bình luận khiêu khích từ phía Tổng thống Mỹ nhằm vào Triều Tiên rõ ràng đang thu hẹp con đường hòa giải với Bình Nhưỡng.
Vậy nên, theo Talmadge, đặc phái viên Trung Quốc chưa thể giúp gì nhiều cho nỗ lực mở ra cánh cửa đàm phán với Triều Tiên. Có chăng, sau chuyến đi của ông, Tổng thống Mỹ sẽ thu được thêm một vài chỉ dấu mới giúp ông tiếp tục dò dẫm trong "bãi mìn" khủng hoảng Triều Tiên.
Vũ Hoàng