Tại hội thảo "Xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các trường đại học và viện nghiên cứu", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Bộ đã tập trung nguồn lực để Mạng lưới trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học vận hành ổn định, giúp các trường đại học,viện nghiên cứu tăng cường năng lực trong xác lập quyền SHTT và chuyển giao công nghệ.
Hiện Bộ Khoa học đã kết nối mạng lưới gồm 30 trung tâm từ các trường đại học/viện nghiên cứu, trong số này, có 20 viện nghiên cứu/trường đại học đăng ký tham gia Dự án "Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ" do WIPO hỗ trợ. Mạng lưới theo mô hình "trục xoay và nan hoa", gồm các tổ chức hỗ trợ (trục xoay) và các trường đại học, viện nghiên cứu (nan hoa).
Trong ba ngày diễn ra hội thảo (26 -28/11), các chuyên gia đến từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tập huấn cho các thành viên mạng lưới kiến thức về quản trị tài sản trí tuệ, cách thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, kết nối giữa viện/trường và các tổ chức khác và xây dựng một chính sách SHTT phù hợp cho tổ chức của mình.
Ông Ashley Stevens, Chủ tịch Focus IP Group (Nhật Bản) cho rằng, Việt Nam đi sau một số quốc gia trong chuyển giao công nghệ và SHTT nhưng đang ở giai đoạn đầu phát triển nên có cơ hội xây dựng hệ thống SHTT hiệu quả.
Hiện Việt Nam bắt đầu triển khai Dự án "Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ" do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO hỗ trợ. Thông qua dự án này, các thành viên mạng lưới gồm 30 trung tâm sẽ được nâng cao năng lực sáng tạo, quản lý và thương mại hóa công nghệ.
Theo ông Richard S. Cahoon, Chủ tịch BioProperty Strategy Group Inc (Mỹ), một ý tưởng sáng tạo, tạo ra một hệ thống sáng tạo, một sản phẩm dịch vụ, một công ty về đổi mới sáng tạo phải dựa trên nền móng vững chắc về chính sách và SHTT. Vì vậy ông Richard cho rằng dự án khởi tạo này cần những "thợ xây" có năng lực bởi không thể xây dựng một cấu trúc trên nền móng yếu kém.
"Chúng tôi sẽ giúp các bạn hiểu về quản lý SHTT, chuyển giao, thương mại hóa tài sản trí tuệ trong các viện, trường một cách hiệu quả và bền vững và sẽ đồng hành, quan sát, hỗ trợ Việt Nam trong các dự án tới", ông Richard S. Cahoon nói.
Hội thảo "Xây dựng chính sách SHTT cho các trường đại học và viện nghiên cứu" do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức nằm trong chuỗi hoạt động đổi mới sáng tạo 2018.
Sau hội thảo, WIPO sẽ tổ chức tham vấn lần hai với các đơn vị được lựa chọn tham gia Dự án "Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ" (ngày 29-30/11 tại Hà Nội và 3-4/12 tại TP Hồ Chí Minh).
Sau cuộc họp tham vấn lần này, WIPO sẽ ký kết và triển khai các hoạt động của Dự án Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ.
Để triển khai Dự án, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thành lập Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo các cơ quan quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu. Văn phòng Dự án sẽ được thành lập và được đặt ở Cục SHTT.
Các đơn vị được lựa chọn tham gia Dự án sẽ nhận được sự hỗ trợ từ WIPO và Cục SHTT để phát triển tài sản trí tuệ đối với công nghệ mà mình tạo ra.
Tại Việt Nam, Dự án đang ở giai đoạn khởi động và sẽ thực hiện trong 5 năm 2018-2022.
Ngoài Việt Nam, WIPO còn hỗ trợ triển khai dự án tương tự ở Malaysia, Thái Lan, Phillipines, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ.