Nghiên cứu ra vật liệu nano mới vào năm 2011, chị Lê Mai Hương (Viện Hợp chất hóa học thiên nhiên) cùng đồng nghiệp hồ hởi viết báo. Bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế lớn, chị nhận được lời mời chào của nhiều nước sang tham gia hội thảo, chia sẻ về vật liệu mới. Chị cảm thấy sung sướng và rất vinh dự.
Nhưng ngay sau đó chị Hương cảm giác nuối tiếc vì nghiên cứu mất quyền lợi đăng ký sở hữu trí tuệ. Nguyên nhân là bài báo công bố quốc tế nên không còn bản quyền nữa. "Nhận ra nghiên cứu của mình có thể trở thành hàng hóa đưa ra thị trường, chúng tôi chuẩn bị thông tin rất trung thực và công phu trong nửa năm cho việc bảo hộ bản quyền, nhưng bị từ chối", chị Hương nhớ lại.
Nhà khoa học cho biết từng bị từ chối tới hai lần nên rất sợ đăng ký sở hữu trí tuệ. Chị khuyên nhà khoa học khác nên cân nhắc giữa công bố quốc tế và đăng ký sở hữu trí tuệ, tùy thuộc nghiên cứu đó tạo ra sản phẩm hay không.
Trường hợp của chị Hương cũng đang là khúc mắc của nhiều nhà khoa học.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, công bố quốc tế rất quan trọng với nhà khoa học, đặc biệt khi vấn đề này được sử dụng tại Việt Nam như một thước đo để đánh giá chất lượng nghiên cứu, tính điểm hoặc phong hàm.
Tuy nhiên, bằng chứng về các bài báo được công bố quốc tế lại không đủ để được xem như một công cụ pháp lý hữu hiệu trong việc ngăn chặn người khác sử dụng, hoặc khai thác thương mại các giải pháp kỹ thuật/công nghệ hàm chứa trong đó, điều mà bằng độc quyền sáng chế có thể giải quyết được nếu các giải pháp đó được đăng ký thành công tại cơ quan sở hữu trí tuệ.
Để đảm bảo đăng ký sáng chế thành công, theo ông Lâm, nhà khoa học nên đăng ký trước, sau đó công bố quốc tế để không làm mất tính mới của sáng chế. Trường hợp kết quả nghiên cứu cần công bố quốc tế trước, muộn nhất là 6 tháng kể từ ngày công bố, đơn đăng ký sáng chế phải được nộp cho cơ quan sở hữu trí tuệ. Khi đó, việc công bố quốc tế không làm mất tính mới của sáng chế.
Điều quan trọng là kết quả nghiên cứu phải chất lượng và ứng dụng trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, được khai thác thương mại và đem lại lợi nhuận cho chủ sở hữu sáng chế. "Có như vậy việc đăng ký sáng chế mới thật sự ý nghĩa, bảo vệ được hoạt động thương mại hóa, bù đắp được chi phí mà chủ sở hữu đã đầu tư để tạo ra sáng chế", ông Lâm nói.