Tobias Loetscher và cộng sự tại Đại học South Australia phát hiện chuyển động của đôi mắt có thể phản ánh tính cách của một người trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience hôm 13/4, theo Newsweek. Các nhà khoa học nhận thấy, những người mang đặc điểm tính cách tương tự nhau có xu hướng chuyển động mắt theo cách giống nhau.
Ví dụ, những người lạc quan dành ít thời gian hơn để quan sát các kích thích tiêu cực, chẳng hạn như hình ảnh ung thư. Trong khi đó, những người tò mò có khuynh hướng nhìn vào tất cả các khu vực của một khung cảnh.
Nhóm nghiên cứu cho 42 sinh viên tại Đại học Flinders ở phía nam Australia đeo loại kính theo dõi mắt đặc biệt. Sau đó, họ yêu cầu những người tham gia đi bộ xung quanh khuôn viên trường và ghé thăm một cửa hàng. Các tình nguyện viên hoàn thành một bảng câu hỏi để nhận biết đặc điểm tính cách của họ dựa trên 5 đặc điểm tính cách "Big Five" rất phổ biến trong lĩnh vực tâm lý học bao gồm: yêu thích trải nghiệm, hướng ngoại, tận tâm, dễ chịu, tâm lý bất ổn.
Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu chuyển động mắt bằng một thuật toán học máy (machine learning), loại mã máy tính có thể tự học mà không cần lập trình cụ thể. Họ phát hiện, trí thông minh nhân tạo (AI) có thể dự đoán 4 trong số các đặc điểm tính cách Big Five đó là hướng ngoại, tận tâm, dễ chịu, tâm lý bất ổn. Ngoài ra, đường kính đồng tử mắt có thể giúp dự đoán tâm lý bất ổn chuẩn xác hơn so với các đặc điểm tính cách khác.
Hiện nay, kỹ thuật sử dụng AI của nhóm nghiên cứu chỉ tốt hơn từ 7 - 15% so với khả năng dự đoán tính cách một cách ngẫu nhiên. Nhưng các nhà khoa học lưu ý rằng, họ mới chỉ có dữ liệu của 42 người. Khi thuật toán nhận được nhiều dữ liệu theo dõi mắt hơn, các dự đoán của nó sẽ ngày càng chính xác hơn.
Phát hiện của nghiên cứu có thể giúp thiết kế các hệ thống máy tính bao gồm robot, điện thoại thông minh và xe tự lái. Chúng có thể tự động đọc tính cách người dùng dựa trên dữ liệu theo dõi mắt để tùy chỉnh hoạt động cho phù hợp.