Hàng ngày đúng 19h, 9 thôn của xã miền núi Kỳ Sơn (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt vang lên hai hồi trống, mỗi hồi 6 tiếng. Dứt tiếng trống, học sinh toàn xã ngưng tất cả mọi việc để ngồi vào bàn học, ôn lại bài cũ, xem trước bài hôm sau. Phụ huynh nếu đang xem tivi cũng phải vặn nhỏ tiếng. Nếu gia đình nào còn có con em chạy ra ngoài chơi sẽ bị nhắc nhở.
Ông Đinh Sỹ Quân, Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Anh cho biết, ý tưởng đánh trống có từ năm 2007, xuất phát từ việc trước kia trường THCS Kỳ Sơn tổ chức giáo viên đi kiểm tra việc học tập của học sinh tại các thôn vào mỗi tối. Sau đó nhiều người đã bàn bạc, thống nhất bố trí mỗi thôn một chiếc trống, giao cho một người đánh. Mùa hè đánh trống lúc 19h, mùa đông 19h30. Hàng tuần, nhà trường, hội khuyến học, hội phụ huynh sẽ đi kiểm tra.
Theo ông Quân, mô hình này chủ yếu dành cho học sinh khối THCS trên địa bàn, nhưng có hiệu quả với tất cả cấp học. Khi tiếng trống vang lên, học sinh rèn được ý thức tự giác ngồi vào bàn học nghiêm túc.
Tham gia đánh trống nhiều năm nay, ông Hoàng Văn Duân (thôn Sơn Bình 3) cho hay tuy đã lớn tuổi, nhưng hàng đêm vẫn tình nguyện đánh trống bởi muốn góp chút công sức nhỏ bé vào việc động viên các cháu học tập, sau này góp sức xây dựng quê hương. "Tiếng trống tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa giáo dục vô cùng lớn, khuyến khích tinh thần tự học, giúp học sinh tránh xa tệ nạn xã hội, đảm bảo yên bình cho thôn xóm", ông Duân nói.
Với Dương Thị Lệ Hằng (lớp 9, trường THCS Kỳ Sơn), tiếng trống học đêm của xã đã hằn sâu vào tiềm thức nhiều năm qua. "Hồi nhỏ em không thích tiếng trống vì còn mải chơi, giờ thì đã quen và chấp hành nghiêm túc. Nó giống như người thôi thúc em phải học tốt hơn", Hằng nói.
Nhiều phụ huynh ở xã Kỳ Sơn rất ủng hộ mô hình đánh trống nhắc nhở học tập hàng đêm của chính quyền. Chị Phương (trú thôn Mỹ Tân) cho biết, nhờ những tiếng trống mà chị không phải nhắc hai con nhỏ học bài như trước. "Nó giúp con tôi tự giác, nghiêm túc đối với việc học. Bản thân cũng ý thức phải quan tâm hơn nữa đến sự học của con", chị Phương nói.
Để kiểm tra hiệu quả của mô hình, cứ cuối tháng các thôn sẽ họp, mời đại diện trường học trên địa bàn đến báo cáo tình hình học tập của con em.
Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Anh thông tin, nhờ tác động tích cực từ mô hình tiếng trống học đêm, chất lượng giáo dục của xã đã nâng lên rõ rệt, Kỳ Sơn trở thành điểm sáng trong học tập của huyện. Trong năm học 2015-2016, Kỳ Sơn có 22 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, 8 em được tham dự thi học sinh giỏi tỉnh, nhiều em thi đại học đỗ đạt cao.
Ông Dương Xuân Linh, nguyên Chủ tịch xã Kỳ Sơn, đánh giá tiếng trống học đêm là nét đẹp văn hóa của xã, là âm thanh thúc đẩy học tập hiệu quả. Xã đã phối hợp với các trường học trên địa bàn hỗ trợ kinh phí mua trống, cử người giám sát trống.
"Qua tiếng trống, không chỉ học sinh mà mỗi người dân trong xã đều có ý thức tự giác rèn luyện mình, trách nhiệm hơn đối với mọi việc làm trong cuộc sống thường nhật", ông Linh nói.
Đức Hùng