Xem bóng đá mang lại nhiều cung bậc cảm xúc, được người dân thể hiện bằng những tiếng "Vàoo" sảng khoái khi đội tuyển yêu thích ghi bàn; tiếng hét bức bối, thậm chí chửi thề khi chứng kiến những tình huống đáng tiếc.
Đây đều là những phản ứng tự nhiên của cơ thể. Hành động ghi bàn dẫn đến những cảm xúc bùng nổ, làm gia tăng adrenaline, kéo theo các tiếng hô kéo dài đến vài giây. Tiếng hô vang bàn thắng cũng là cách thể hiện niềm vui tự phát, giải tỏa cảm xúc sau thời gian cuốn theo trận đấu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc cổ vũ quá khích cho đội tuyển yêu thích có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến giọng nói.
"Chúng ta có nguy cơ mắc đủ loại tổn thương lành tính như polyp, nốt sần, u nang nếu la hét quá độ. Bạn thậm chí có thể hét to đến mức làm vỡ mạch máu nhỏ trên dây thanh quản, gây xuất huyết nếp nhăn thanh quản", tiến sĩ Rupali Shah, chuyên gia về rối loạn giọng nói, Đại học Bắc Carolina, Mỹ, giải thích.
Bà cho biết tình trạng này phổ biến hơn nhiều người nghĩ. Các tổn thương này có thể gây ra vấn đề lâu dài. Biểu hiện ban đầu là người bệnh có thể bị khàn giọng dai dẳng trong vòng hai đến ba tuần, đau nhức họng khi đang nói chuyện, giọng yếu quá mức gây bệnh mỏi suốt cả ngày.
Theo tiến sĩ Arick Forrest, Giám đốc phòng khám rối loạn giọng nói tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio, la hét khi xem bóng đá có thể làng căng dây thanh quản - hai dải cơ nhỏ tạo thành hình chữ V phía sau cổ, rung lên và phát ra âm thanh.
Dây thanh quản hoạt động giống các nhóm cơ. Việc lạm dụng nó có thể gây viêm họng, dẫn đến đau nhức. Thời tiết trở lạnh và bầu không khí lễ hội của bóng đá khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
"Khi các ca sĩ chuẩn bị hát, họ sẽ khởi động dây thanh quản và hòa mình vào bầu không khí. Họ rất cẩn thận với âm lượng của bản thân. Tuy nhiên, khi đi xem thể thao, chúng ta không nghĩ về điều đó. Nhiều người bị lạnh, thậm chí mất nước vì rượu mà không hay biết", tiến sĩ Nicole Maronian, Giám đốc Trung tâm Giọng nói, tại Cleveland Medical Center, cho biết.
Một vấn đề khác tại các sự kiện thể thao gọi là hiệu ứng Lombard. Đó là khi người hâm mộ vô thức tăng âm lượng giọng nói trong một môi trường ồn ào. Điều này tương tự với việc đến một quán bar đông đúc với âm nhạc lớn, mọi người thường hét lên để có thể nghe thấy giọng của mình.
Việc hét quá lớn có thể gây mất giọng, căng cơ phần cổ họng, xuất huyết dây thanh, khản cổ. Người bị khàn tiếng kéo dài mà không điều trị dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí ung thư thanh quản.
Để bảo vệ giọng nói trong mùa World Cup, các chuyên gia khuyến nghị một số phương pháp cơ bản, dễ thực hiện.
Trước, trong và sau mỗi trận bóng, người hâm mộ nên uống nhiều nước, bởi dây thanh quản cần được giữ ẩm để tránh khàn giọng. Thông thường, dây thanh âm được bao phủ bởi lớp màng nhầy, "giống như cánh tay trong ống tay áo", tiến sĩ Maronian nói. Nếu lớp màng này bị khô, độ ma sát tăng lên, gây kích ứng và sưng tấy.
Vì vậy, uống nhiều nước là chìa khóa để giữ cổ họng khỏe mạnh khi phải la hét nhiều. Các chuyên gia cũng khuyến cáo tránh uống rượu và cà phê, bởi chúng làm mất nước trầm trọng, có thể gây trào ngược axit, kích ứng dây thanh quản.
Trước mỗi kỳ bóng lăn, người hâm mộ nên ngừng hút thuốc. Thuốc lá kích thích dây thanh quản, làm tăng khả năng khàn giọng. Những người hút thuốc lâu năm có nguy cơ tổn hại giọng cao nhất.
Nếu cảm thấy giọng nói thay đổi, trở nên khàn hoặc đứt quãng, hãy ngừng cổ vũ quá lớn. Cách khắc phục tốt nhất là cho dây thanh thời gian để nghỉ ngơi.
"Hiện tượng này giống như việc cố gắng chạy marathon quá sức khiến cơ bắp nhức mỏi. Bạn chỉ nên lựa chọn thời điểm thích hợp để hò reo trong trận đấu", tiến sĩ Maronian nói. Thay vì la hét quá nhiều, người xem có thể vỗ tay, huýt sáo hoặc nhảy lên để giải tỏa cảm xúc.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị đến bác sĩ nếu tình trạng khản giọng kéo dài vài ngày. Hầu hết, các kích ứng xảy ra hôm sau chỉ là viêm thông thường, nhưng đôi khi các mạch máu nhỏ trong dây thanh quản có thể vỡ ra và hình thành vết phồng rộp, polyp. Các vết thương này mất nhiều thời gian hơn để lành lại.
Thục Linh (Theo ABC News, Cleverland)