Chiều 12/12, các nhà máy thuộc Tập đoàn Pou Chen gồm: Pou Yuen (lớn nhất với 56.000 công nhân) ở TP HCM; Pou Chen, Pou Sung, Pou Phong tại Đồng Nai; Dụ Đức tại Tiền Giang; Pou Hung, Pou Li ở Tây Ninh và Prime Asia ở Bà Rịa - Vũng Tàu, công bố chi tổng cộng hơn 1.500 tỷ đồng thưởng Tết.
Theo đó, tùy thâm niên mà mức thưởng cao nhất người lao động nhận được là 2,2 tháng lương và một tháng dành cho người làm vừa đủ một năm. Mức tăng này tương ứng công nhân trực tiếp sản xuất nhận thấp nhất khoảng 6,5 triệu đồng, cao nhất gần 26 triệu đồng. Tết năm ngoái, người cao nhất nhận 1,54 tháng và con số này năm trước đó là 1,87 tháng.
Đại diện Tập đoàn Pou Chen cho biết, mức thưởng Tết được thống nhất dựa trên thương lượng giữa lãnh đạo doanh nghiệp và công đoàn các nhà máy. Những tháng cuối năm nay, tác động của tình hình kinh tế thế giới, một số bộ phận của tập đoàn bị giảm đơn hàng, công nhân phải giảm giờ làm.
Tuy nhiên, để chia sẻ với người lao động, doanh nghiệp quyết định nâng mức thưởng Tết lên so với hai năm trước, hỗ trợ công nhân. Lãnh đạo doanh nghiệp dự báo năm 2023 sẽ còn nhiều thách thức, mong người lao động tiếp tục gắn bó với các nhà máy.
Ngoài lương và thưởng Tết tăng, công đoàn các nhà máy cùng với doanh nghiệp có nhiều chương trình hỗ trợ người lao động vào dịp Tết như tặng vé xe quê, tặng quà cho công nhân khó khăn...
Pou Chen đến từ Đài Loan, là một trong những doanh nghiệp sản xuất, gia công giày dép lớn nhất thế giới cho các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Puma, Adidas... Tập đoàn đầu tư vào Việt Nam từ năm 1994 với nhà máy đầu tiên lấy tên Pou Chen đặt tại Đồng Nai.
Tại TP HCM, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các doanh nghiệp thông tin về lương, thưởng Tết, các khoản trợ cấp cho người lao động trước 25/12. Công ty cần thông tin với đại diện người lao động tại cơ sở và báo phòng lao động địa phương khi gặp khó khăn. Đánh giá ban đầu của Liên đoàn Lao động TP HCM, năm nay tình hình khó khăn nên một số doanh nghiệp không thưởng Tết và lương tháng 13 cho người lao động.
Lê Tuyết