Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo tiền lương, thưởng Tết tại hơn 41.300 doanh nghiệp, với 3,83 triệu lao động, chiếm gần 16% tổng lao động làm công hưởng lương trên cả nước.
Khoảng 62,7% trong tổng số doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết Nhâm Dần. Mức thưởng đạt 6,17 triệu đồng, bằng 97% so với Tết Tân Sửu (6,36 triệu đồng). Như vậy thưởng Tết tiếp tục giảm do năm thứ hai chịu tác động của đại dịch.
Thưởng Tết Nhâm Dần bình quân tại một số khối cao hơn so với mặt bằng chung. Dẫn đầu là doanh nghiệp FDI với 6,66 triệu đồng mỗi người; tiếp đến là doanh nghiệp dân doanh 5,92 triệu đồng và công ty do nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ đạt 5,59 triệu đồng.
Chỉ hơn 23.000 doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết Dương lịch, bình quân 1,36 triệu đồng. Mức này bằng 58% so với thưởng Tết Dương lịch năm trước (2,34 triệu đồng một người), giảm ở tất cả khối doanh nghiệp.
Thưởng Tết Dương lịch bình quân ghi nhận cao nhất ở khối FDI, đạt 1,69 triệu đồng mỗi người; tiếp đến là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ, đạt 1,47 triệu đồng; khối dân doanh 1,16 triệu đồng.
Ngược lại với thưởng Tết, tiền lương bình quân năm 2021 tăng 4% so với năm trước đó, ước đạt 7,54 triệu đồng mỗi người.
Lao động trong công ty do nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ dẫn đầu về tiền lương, đạt 9,13 triệu đồng/tháng, tương đương năm trước. Tiếp đến là lao động trong khối FDI, đạt 8,26 triệu đồng/tháng, giảm 2,4%. Cuối cùng là khối doanh nghiệp dân doanh, đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với năm 2020.
Thưởng Tết không phải là khoản quy định của luật lao động, không bắt buộc có mà phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tết Nguyên đán Tân Sửu - năm đầu tiên ảnh hưởng của đại dịch khiến việc làm, tiền lương, tiền thưởng của người lao động giảm sút. Mức thưởng Tết âm lịch chỉ bằng 95% năm trước đó, đạt 6,36 triệu đồng, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trên hơn 30.000 doanh nghiệp.
Hồng Chiêu