"Có rất nhiều lý do phải nghi ngờ về phản ứng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước những dấu hiệu sớm của đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc. Việc thiếu những phân tích độc lập và khuyến cáo trước những thông tin sai lệch ban đầu từ Trung Quốc đã khiến một số quốc gia phải chạy đua để bù đắp khoảng thời gian bị bỏ lỡ", Thượng nghị sĩ Grassley viết trong thư gửi Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 10/4.
Ông Grassley cũng nhấn mạnh rằng thông tin tình báo Mỹ cho thấy Trung Quốc đã che đậy mức độ bùng phát Covid-19 ở nước này, nói dối về tổng số ca nhiễm và tử vong do nCoV, đồng thời cho rằng WHO "có lý do để không tin các thông tin do Trung Quốc cung cấp là không chính xác".
Thượng nghị sĩ Mỹ khẳng định WHO có trách nhiệm hành động độc lập và bày tỏ quan ngại rằng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đã tác động đến phản ứng của WHO.
Ông cũng dẫn số liệu rằng số ca nhiễm được xác nhận ở Trung Quốc tăng vọt từ 220 ca ngày 20/1 lên 14.000 ca vào 1/2, nhưng ngày 29/1, WHO lại ca ngợi những nỗ lực của đại lục nhằm ngăn chặn Covid-19.
Bức thư được Grassley gửi đi chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Trump hôm 7/4 dọa cắt ngân sách cho WHO, cáo buộc tổ chức này thiên vị Trung Quốc trong nỗ lực chống Covid-19. Không chỉ chính quyền Trump, một số nước cũng chỉ trích WHO về việc "sẵn sàng chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc". Phó thủ tướng Nhật Bản còn cáo buộc cơ quan này là "Tổ chức Y tế Trung Quốc".
Đáp lại các chỉ trích, Tổng giám đốc WHO hôm 8/4 khẳng định họ không thiên vị Trung Quốc và kêu gọi "không chính trị hóa khủng hoảng y tế". "Chúng tôi gần gũi với mọi quốc gia, không thiên vị ai", Tedros khẳng định.
"Thay vì tuyên truyền như con vẹt và nêu các quan điểm của Trung Quốc, WHO nên đưa ra những đánh giá độc lập", ông Grassley viết trong thư, khép lại bằng yêu cầu WHO trả lời một loạt vấn đề mà ông nêu ra trước ngày 1/5.
Grassley cũng "nhắc nhở" tổ chức này rằng Mỹ là quốc gia tài trợ lớn nhất cho WHO kể từ năm 1948 và đã chi hơn 400 triệu USD cho WHO năm ngoái. Ông cho rằng mình có nghĩa vụ "nỗ lực hết sức để bảo vệ sức khoẻ và hạnh phúc của công dân Mỹ, đồng thời đảm bảo việc giám sát khoản tiền mà Mỹ đóng góp cho các tổ chức quốc tế".
210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, với gần 1,7 triệu ca nhiễm, hơn 100.000 người chết và hơn 376.000 người hồi phục. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 500.000 ca nhiễm, trong đó hơn 18.700 ca tử vong.
Mai Lâm (Theo Hill)