Gouel làm việc tại khu hồi sức tích cực (ICU) trong Bệnh viện Bichat, Paris. Thành phố là nơi ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên của châu Âu.
Dù chỉ mới 4 và 6 tuổi, hai đứa trẻ nhận thức sâu sắc về mức độ nguy hiểm của căn bệnh. Chính mẹ chúng nằm trong hơn 1,8 triệu người trên thế giới không may nhiễm virus.
Bác sĩ Gouel biểu hiện triệu chứng vào tháng 3, bao gồm sốt, ho, khó thở và mệt mỏi. Tình trạng kéo dài trong khoảng ba đến 4 ngày. Cô cho biết đây là một thử thách vô cùng khó khăn.
Song ngay khi sức khoẻ trở lại bình thường, cô tới thẳng bệnh viện và trở lại làm việc.
"Ở nhà trong khi bệnh viện thực sự cần nguồn lực hỗ trợ là điều khó chịu đựng. Chúng tôi là những người đã được đào tạo. Thế giới cần chúng tôi", nữ bác sĩ 38 tuổi nói.
Kể từ khi Pháp ghi nhận những ca nhiễm nCoV đầu tiên vào tháng 1, hàng nghìn y bác sĩ đã lây nhiễm trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Một số người trở lại tiền tuyến làm việc ngay khi vừa hồi phục.
"Điều này hơi giống với Thế chiến Thứ nhất. Hầu hết những người lính bị thương đều nhanh chóng quay trở lại chiến trường", bác sĩ Philippe Montravers, trưởng khoa gây mê và hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bichat, cho biết.
"Y bác sĩ cảm thấy có lỗi nếu phải ở nhà. Ngay khi sức khoẻ tốt hơn, họ quay trở lại để giúp đỡ", ông nói thêm.
Trong khi các nhà khoa học chạy đua để tìm hiểu thêm về nCoV, nhiều câu hỏi liên quan đến nguy cơ tái nhiễm còn chưa sáng tỏ. Các nhân viên y tế từng mắc bệnh vẫn làm việc, hy vọng đã có kháng thể trong người hoặc hiểu biết cá nhân về Covid-19, đủ để tự đảm bảo an toàn giữa đại dịch. Họ coi đó là "áo giáp" chống lại căn bệnh, khiến bản thân trở nên đặc biệt hữu ích trong cuộc chiến kéo dài, khi chặng đua đến vaccine còn rất xa.
"Thật tốt vì họ trở lại, đặc biệt là khi đã có kháng thể. Điều này làm vơi bớt nỗi sợ hãi của chúng tôi đối với làn sóng nhiễm trùng thứ hai", bác sĩ Julio Mayol, giám đốc y tế Bệnh viện San Carlos Clinic ở Madrid, chia sẻ. Gần 15% trong số 1.400 nhân viên của ông đã nhiễm bệnh.
Elena Pagliarini là một trong những y tá Italy quay trở lại làm việc sau khi nhiễm nCoV. Trước đó cô từng được biết đến với hình ảnh kiệt sức, ngủ gục trên bàn phím khi hết ca trực. Bức ảnh được ví như biểu tượng chống dịch của đất nước.
Đối với hầu hết người mắc Covid-19, triệu chứng biến mất sau hai đến ba tuần. Song một số trường hợp, đặc biệt là người già và các bệnh nhân có bệnh nền, bệnh chuyển biến nặng hơn, dẫn đến viêm phổi và tử vong.
Sebastien là một bác sĩ Paris từng mắc Covid-19 tương đối nặng. Các triệu chứng nghiêm trọng đến nỗi anh dành ba ngày nằm liệt giường, chỉ thức dậy thôi cũng là điều khó khăn. Vợ anh, một bác sĩ phẫu thuật đang mang thai cũng ngã bệnh. Trong cuộc phỏng vấn với Associated Press, Sebastien không muốn công bố họ tên đầy đủ bởi e ngại "những người hàng xóm vốn đã đầy lo lắng sẽ trở nên hoảng sợ hơn".
Sau hai tuần, anh lập tức quay lại bệnh viện, dù tình trạng của vợ anh chuyển biến nặng hơn.
"Sức khoẻ của cô ấy rất xấu và phải nhập viện ngay khi tôi đi làm lại. Tôi cảm thấy thật vô dụng. Nhưng tôi phải đi làm. Nếu ở nhà tôi sẽ rất áp lực. Tôi muốn giúp đỡ các đồng nghiệp của mình", anh nói.
Nghĩ rằng bản thân đã sản sinh kháng thể, Sebastien cho biết anh xung phong thực hiện các nhiệm vụ có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn trong ICU, chẳng hạn lấy mẫu bệnh hoặc đặt nội khí quản cho bệnh nhân.
"Tôi muốn làm nhiều hơn so với các đồng nghiệp chưa mắc bệnh", anh cho biết.
Bác sĩ Aurelie Gouel cũng chia sẻ cảm xúc tương tự.
"Tôi cảm thấy bản thân giờ đây như nguồn lực dự trữ. Đối với những bệnh nhân ốm nặng và các thủ thuật rủi ro cao, tôi dễ dàng thực hiện hơn các đồng nghiệp của mình", cô nói.
Dù cảm thấy lo lắng, chồng Gouel vẫn ủng hộ quyết định của nữ bác sĩ.
"Anh ấy biết rằng tôi sẽ cẩn thận, sẽ không mạo hiểm tính mạng, cũng biết tôi đeo khẩu trang, găng tay và tuyệt đối không đẩy bản thân hay gia đình vào tình huống nguy hiểm", cô nói.
Thục Linh (Theo AP)