Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó Covid-19 hôm nay được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với tư cách khách mời, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Trả lời phỏng vấn sau hội nghị về cách ứng phó Covid-19, Thủ tướng cho biết đây là lúc các nước thành viên ASEAN cần đoàn kết.
"Đứng riêng lẻ, không nước nào có thể tự mình đẩy lùi đại dịch. Đoàn kết lại, không hiểm họa nào có thể khuất phục được chúng ta", Thủ tướng cho hay, thêm rằng phản ứng kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ giữa 10 thành viên có ý nghĩa quyết định trong kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh công tác phòng chống dịch, ASEAN cũng cần chú trọng đến việc khắc phục hậu quả, giảm thiểu tác động kinh tế xã hội của đại dịch, đặt người dân ở trung tâm, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời tăng cường cổ vũ ý thức cộng đồng và tinh thần đoàn kết quốc tế.
"Tôi tin rằng ASEAN sẽ sớm vượt qua đại dịch. Thử thách này không thể khuất phục chúng ta, mà trái lại sẽ tạo động lực để chúng ta cùng nhau vươn lên mạnh mẽ hơn, thực sự là một cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng trước bất cứ khó khăn, nghịch cảnh nào", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho hay đại dịch cho thấy chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng" mà Việt Nam đề ra cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là đúng lúc và hoàn toàn xác đáng. Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Việt Nam đã chủ động, tích cực, hành động nhanh chóng, dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN cũng như hợp tác với các đối tác.
Một số ví dụ được nêu ra như việc kịp thời ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN đối với sự bùng phát của Covid-19, thúc đẩy tổ chức các hội nghị của ASEAN theo hình thức trực tuyến, giúp duy trì kết nối và phối hợp đối phó đại dịch một cách phù hợp, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước và tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.
Covid-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 1,9 triệu ca nhiễm, gần 122.000 người chết và hơn 460.000 trường hợp bình phục. Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á gần đây diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm đã vượt 21.000, trong đó gần 1.000 người chết. Philippines là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, trong khi Indonesia báo cáo nhiều người chết nhất.
Ánh Ngọc