Trong bài viết ngày 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại Yagi là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông 30 năm qua và mạnh nhất trên đất liền Việt Nam 70 năm qua. Bão cường độ rất mạnh, tốc độ rất lớn, phạm vi rộng, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17, thời gian kéo dài, sức tàn phá mạnh và ảnh hưởng nặng nề hầu hết miền Bắc. Hai vấn đề phức tạp là khó dự báo thời gian bão kéo dài trên đất liền và hoàn lưu bão gây mưa rất lớn.
Trước diễn biến nêu trên, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ để phòng chống và khắc phục hậu quả mưa bão. 700.000 người cùng 9.000 phương tiện được huy động ứng phó. Thủ tướng đã xuất cấp gạo hỗ trợ các địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huy động được hơn 1.640 tỷ đồng ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão lũ.
Tuy vậy, thiệt hại của bão lũ rất lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng, nặng nề. Thống kê bước đầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão và hoàn lưu sau bão làm 337 người chết và mất tích, 1.929 người bị thương; hư hỏng 238.000 ngôi nhà; trên 195.000 hecta lúa, 47.000 hecta hoa màu, 36.000 hecta cây ăn quả bị ngập úng; trên 4.700 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính 61.000 tỷ đồng, dẫn đến GDP cả nước năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra.
"Đi bất cứ nơi đâu trong vùng bão lũ, chúng ta đều cảm thấy xót xa, đau đớn khi tận mắt chứng kiến những ngôi làng, mái nhà, đồng ruộng, vườn cây, ao cá, lồng bè, tài sản của đồng bào bị lũ lụt tàn phá... Những tổn hại về tinh thần của người dân và sự đau thương, mất mát không gì có thể bù đắp", Thủ tướng viết.
Theo Thủ tướng, trong khó khăn, những yếu tố mang tính nền tảng, là cội nguồn sức mạnh của đất nước được phát huy mạnh mẽ, nổi bật là "sáu điểm tựa Việt Nam". Trước hết là điểm tựa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Hai là điểm tựa Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ba là truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến dân tộc với tinh thần thương người như thể thương thân. Bốn là điểm tựa nhân dân "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Năm là điểm tựa quân đội và công an. Sáu là tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, Thủ tướng yêu cầu tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, chia sẻ, động viên, hỗ trợ hậu sự cho người đã mất; kiểm tra, tiếp cận bằng được những nơi còn bị chia cắt nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân; cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch, chỗ ở cho những người dân bị mất nhà ở.
Các địa phương rà soát, tái định cư cho hộ gia đình bị mất nhà ở, bảo đảm hoàn thành sớm nhất có thể, trước ngày 31/12/2024, với điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ.
Cùng với sớm ổn định đời sống nhân dân, Thủ tướng chỉ đạo tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. "Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chỉ có thực hiện tốt nhiệm vụ này mới có thể bảo đảm sự ổn định, bền vững của đời sống, sinh kế của người dân vùng bão lũ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung", Thủ tướng viết.
Các bộ ngành tập trung rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại; thực hiện kịp thời việc tạm ứng, chi trả quyền lợi bảo hiểm; ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi.
Nhiều giải pháp tiền tệ cần thực hiện như cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội; tiếp tục cho vay mới với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão lũ.
Nhân cơ hội này, ngành nông nghiệp cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững hơn; kịp thời hỗ trợ giống, thức ăn, hóa chất và các vật tư cần thiết.
Các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ ảnh hưởng bởi bão lũ cần sớm đưa trở lại hoạt động bình thường. Cơ sở logistics và kho bãi bị hư hỏng cần sớm khôi phục, không để gián đoạn chuỗi cung ứng.
Từ nay đến cuối năm 2024 và trong năm 2025, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình thị trường, giá cả; bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng, ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu cho đời sống và sản xuất kinh doanh; tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm; tiếp tục nghiên cứu tái cấu trúc chuỗi cung ứng năng lượng theo hướng xanh, bền vững.
Trong ngắn hạn và trung hạn, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu, điện phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ với chính sách tài khóa hợp lý, có trọng điểm; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. "Thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí...; tăng cường tiết kiệm chi, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho an sinh xã hội, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và đầu tư phát triển", Thủ tướng nêu.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thời gian tới, tình hình thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường với tần suất và cường độ ngày càng lớn, tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề.
Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh cần xác định rõ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội; bảo đảm tính khoa học, hợp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn; kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại; chú trọng cả 3 giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó lấy chủ động phòng ngừa là chính.
"Cơn bão số ba qua đi nhưng vẫn còn đó những hậu quả, tổn thất nặng nề cả tinh thần và vật chất đối với nhiều người dân, gia đình, bản làng, cộng đồng, địa phương và cả nước", Thủ tướng viết và kêu gọi cả nước "chung sức, đồng lòng, kề vai, sát cánh vượt qua khó khăn, thách thức".
>>Toàn văn bài viết của Thủ tướng
Viết Tuân
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.