"Tôi có thể tuyên bố chắc chắn rằng ngay sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Trump không đợi đến lúc nhậm chức mà sẽ ngay lập tức hành động với tư cách nhà môi giới hòa bình. Ông ấy đã có kế hoạch chi tiết và cơ sở cho việc này", Thủ tướng Hungary Viktor Orban viết trong thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 16/7.
Ông Orban viết thư sau chuyến công du tới Ukraine, Nga và Trung Quốc, gọi đây là sứ mệnh hòa bình sau khi Hungary đảm nhận chức vụ chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) trong nhiệm kỳ 6 tháng.
Thủ tướng Hungary nhận định Tổng thống Mỹ Joe Biden "nỗ lực rất nhiều" trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nhưng cho rằng ông Biden không có khả năng sửa đổi "chính sách ủng hộ kéo dài xung đột hiện tại của Mỹ".
Trong khi đó, chiến thắng của ông Trump sẽ thay đổi gánh nặng trong hỗ trợ tài chính cho Ukraine của Mỹ và EU, gây bất lợi cho người dân châu Âu.
"Chiến lược châu Âu của chúng ta, dưới cái danh là 'sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương', đã sao chép chính sách ủng hộ kéo dài xung đột của Mỹ. Chúng ta tới nay chưa có một chiến lược châu Âu nào mang tính độc lập, tự chủ", ông Orban cho biết. "Tôi đề xuất thảo luận liệu việc tiếp tục chính sách này có hợp lý trong tương lai hay không".
Thủ tướng Orban là chính trị gia ủng hộ ông Trump trong nhiều năm, cũng như nhiều lần chỉ trích chính sách hỗ trợ Ukraine của các nước châu Âu. Giới lãnh đạo EU bất đồng với quan điểm của ông Orban và cho rằng điều này làm suy yếu các lập trường lâu đời của khối.
Ủy ban châu Âu ngày 15/7 ra quyết định chưa từng có là cấm các Ủy viên EU tới dự những cuộc họp tại Hungary trong thời gian nước này làm chủ tịch luân phiên của khối. Chính phủ một số nước thành viên EU dự định cử quan chức cấp cao thay vì bộ trưởng tới các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng ở Hungary.
Ông Orban đề xuất "mở lại các kênh liên lạc ngoại giao trực tiếp với Nga", trong khi duy trì tiếp xúc cấp cao với Ukraine và tổ chức thảo luận với Trung Quốc "về các phương thức của hội nghị hòa bình tiếp theo".
Cách tiếp cận của Thủ tướng Hungary xung đột với quan điểm của các lãnh đạo EU trong hội nghị ngày 27/6, khi họ tái khẳng định cam kết hỗ trợ tài chính, kinh tế, nhân đạo, quân sự, ngoại giao cho Ukraine "mạnh mẽ nhất có thể tới khi nào còn cần thiết".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)