Trò chuyện với người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố San Francisco tối 17/9 (sáng 18/9 giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt - Mỹ có mối quan hệ đặc biệt, là hình mẫu trong quan hệ quốc tế, đi từ hận thù chiến tranh tới bình thường hóa quan hệ, lên Đối tác Toàn diện và sau đó là Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Theo Thủ tướng, việc Việt - Mỹ xác lập Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đã phản ánh tầm vóc của quan hệ, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng cho rằng quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế, trong đó kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là điểm sáng và là động lực của quan hệ với kim ngạch hai chiều đạt hơn 123 tỷ USD vào năm 2022.
"Đó là cả một quá trình, trong đó có đóng góp rất lớn của người Việt Nam sinh sống tại Mỹ", Thủ tướng nói.
Ông cho biết trong Tuyên bố chung sau hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Biden, hai lãnh đạo đánh giá cao những đóng góp to lớn của cộng đồng người Việt tại Mỹ đối với sự phát triển của quan hệ hai nước. Tổng thống Biden khẳng định người Mỹ gốc Việt là một trong những cộng đồng thành công, năng động, sáng tạo nhất tại Mỹ.
Theo Thủ tướng, nội hàm của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện không chỉ dựa trên nhu cầu, tiềm năng của hai nước mà còn dựa trên thế mạnh của người Việt tại Mỹ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng, góp phần vun đắp và phát triển quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu.
Khoảng 6 triệu người Việt đang sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 2,2 triệu người ở Mỹ. Cộng đồng người Việt tại Mỹ nói chung và ở khu vực bờ Tây nói riêng có thế mạnh rất lớn về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với hàng chục nghìn kỹ sư, chuyên gia trong các lĩnh vực.
Lãnh đạo chính phủ mong rằng cộng đồng doanh nhân, trí thức, nhà khoa học người Việt tại Mỹ sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, có những dự án cụ thể, cách làm mới thực sự đột phá, đặc biệt là tận dụng được sự ủng hộ và cam kết của Mỹ trong hỗ trợ Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc gặp, Tiến sĩ Hùng Trần, người đã xây dựng công ty ở Mỹ và có đội ngũ ở Việt Nam, cho rằng nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ tạo nhiều cơ hội để hai nước hợp tác kinh tế số. Để tận dụng cơ hội này, ông cho rằng vấn đề mấu chốt là phải xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
"Người Việt trẻ ở thung lũng Silicon rất sẵn lòng cống hiến. Chúng tôi sẵn sàng chung tay đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho đất nước", ông nói.
Tô Diệu Liên, chủ tịch Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Mỹ, đề nghị chính phủ xây dựng cơ chế để tập hợp, đoàn kết người Việt trẻ ở Mỹ và các nước khác trong đóng góp xây dựng đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nguyện vọng, đề xuất của kiều bào, đề nghị các bộ ngành, cơ quan liên quan "sớm có giải pháp phù hợp trên tinh thần kịp thời, thấu đáo".
Ông khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở ngoài nước nói chung và đồng bào ở Mỹ nói riêng. Kiều bào ở các nước "là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam".
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến San Francisco chiều 17/9, bắt đầu chuyến công tác tại Mỹ kéo dài đến ngày 23/9. Trong 6 ngày ở Mỹ, Thủ tướng sẽ qua ba thành phố San Francisco, Washington và New York để dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương.