Ông Narendra Modi ngày 23/8 tới Ukraine, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ đến quốc gia này kể từ năm 1991. Tại thủ đô Kiev, đề cập tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, Thủ tướng Ấn Độ khẳng định con đường giải quyết cuộc khủng hoảng "chỉ có thể được tìm thấy thông qua đối thoại và ngoại giao".
"Chúng ta nên đi theo hướng đó để không lãng phí thời gian. Cả hai bên nên ngồi lại với nhau nhằm tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng này", ông nói. "Tôi muốn đảm bảo rằng Ấn Độ sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong mọi nỗ lực hướng tới hòa bình. Nếu cá nhân tôi có làm gì với vấn đề này, tôi sẽ làm, tôi muốn cam đoan với các bạn như vậy".
Phát biểu sau khi chuyến thăm của ông Modi kết thúc, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh "điều quan trọng với chúng tôi là Ấn Độ vẫn cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và ủng hộ chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Cả lãnh đạo Ấn Độ và Ukraine đều mô tả chuyến thăm của Thủ tướng Modi là mang tính "lịch sử". Nó còn đặc biệt ở việc chuyến thăm diễn ra hơn một tháng sau khi Thủ tướng Ấn Độ tới thăm Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin.
Bàn về khả năng Ấn Độ có thể tạo đà cho bất kỳ cuộc đối thoại ý nghĩa nào giữa Ukraine và Nga, C. Raja Mohan, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), lưu ý không nên quá kỳ vọng vào ảnh hưởng của New Delhi tới cuộc xung đột.
"Đừng nín thở chờ đợi Ấn Độ tạo nên phép màu. Delhi nhận thức được rõ ràng vai trò và những hạn chế của mình", ông nói.
New Delhi không có "đòn bẩy hay năng lực" để thuyết phục Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin ngồi vào đàm phán, Mohan cho biết. "Quốc gia duy nhất làm được điều đó là Mỹ. Cả ông Zelensky và ông Putin đều đang chờ kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11".
"Là những người thực tế, tôi nghĩ chúng ta nên hiểu rõ rằng Ấn Độ chỉ có vai trò bên lề chứ không phải trung tâm trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc xung đột này", ông bình luận.
Hiện tại, một bước đột phá ngoại giao dường như là điều không tưởng, đặc biệt sau chiến dịch tấn công xuyên biên giới gần đây của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga.
Theo Karthik Nachiappan, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc NUS, chuyến thăm Ukraine lần này của Thủ tướng Modi chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng.
"Đây là một tín hiệu quan trọng mà Ấn Độ muốn gửi đến phương Tây, đến Mỹ, rằng họ có quan tâm đến Ukraine, đến cuộc xung đột cũng như tương lai Ukraine và những gì xảy ra ở châu Âu", ông nhận xét.
Sushant Singh, giảng viên tại Đại học Yale, cho rằng không nên kỳ vọng nhiều vào kết quả thực tế từ chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi, nhưng việc lãnh đạo Ấn Độ tới Kiev ngay sau chuyến thăm Moskva khiến điều này trở nên có ý nghĩa. "Nó đánh dấu một bước thay đổi trong lập trường của Ấn Độ về cuộc xung đột", ông nói.
Thủ tướng Modi từng hứng không ít chỉ trích từ phương Tây vì chuyến thăm Nga hồi tháng 7. Tổng thống Zelensky lúc bấy giờ gọi đây là "nỗi thất vọng lớn", "đòn giáng tàn khốc vào nỗ lực hòa bình".
Một số chuyên gia tin rằng ông Modi đang cố gắng tìm cách cân bằng mối quan hệ và phát thông điệp tới phương Tây rằng họ không hoàn toàn nghiêng về phía Nga.
"Không bất ngờ khi chuyến thăm diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng Modi tới Moskva", Nachiappan nói. "Chuyến thăm đó khiến Mỹ và các nước châu Âu có ấn tượng không tốt về Ấn Độ".
Chuyến thăm Ukraine cho thấy Ấn Độ "đang cố gắng cân bằng hình ảnh" sau khi bị coi là "nghiêng về phía Nga", KC Singh, chuyên gia về các vấn đề chiến lược, nhận xét.
Chính phủ Ấn Độ lâu nay vẫn tránh lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Thay vào đó, họ tập trung kêu gọi hai bên giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
"Ấn Độ có mối quan hệ lâu dài với Nga và vẫn cố tìm cách ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ đó", chuyên gia Mohan từ NUS nhận định. "Giờ đây, bằng cách xích lại gần hơn với Ukraine và các nước Trung Âu như Ba Lan, Ấn Độ dường như sẽ có một cách tiếp cận cân bằng hơn đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine".
"Chuyến thăm được thiết kế ở một mức độ nào đó để cho thấy định hướng chiến lược của New Delhi vẫn là không liên kết và họ vẫn hướng tới đạt được cân bằng trong chính sách đối ngoại", Derek Grossman, nhà phân tích Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại trung tâm nghiên cứu RAND, trụ sở tại Mỹ, cho hay.
Theo ông, đối với Thủ tướng Modi, chuyến đi này là cơ hội để trấn an Tổng thống Zelensky và bảo đảm lợi ích của Ấn Độ tại Ukraine, đồng thời xoa dịu phương Tây.
Dù vậy, một điều chắc chắn là Ấn Độ vẫn sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga và "chuyến thăm của Thủ tướng Modi sẽ không thể thay đổi nhận thức này", Chietigj Bajpaee, chuyên gia về Nam Á từ viện nghiên cứu Chatham House, trụ sở tại London, Anh, bình luận.
Thủ tướng Modi khó có thể sử dụng chuyến thăm để nhấn mạnh vai trò của New Delhi như một nhà đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột, ông nói, lưu ý rằng Ấn Độ, không giống như Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ, chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch hòa bình nào đối với cuộc khủng hoảng đã kéo dài hơn hai năm qua.
Trong khi đó, Điện Kremlin sẽ theo sát tình hình liên quan đến chuyến thăm, "nhưng họ sẽ không quan tâm nếu không có bất kỳ tuyên bố nào chỉ trích gay gắt Nga", Bajpaee cho hay.
Các quan chức Ấn Độ đến nay vẫn bác bỏ những ý kiến cho rằng chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi có mối liên hệ với chuyến thăm Nga trước đó. "Đây không phải trò chơi một mất một còn. Đây là những mối quan hệ độc lập, phổ quát", Tanmaya Lal, quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ, tuần qua nói.
Giới chuyên gia cũng cho rằng những chuyến công du gần đây của Thủ tướng Modi cho thấy nỗ lực của ông nhằm củng cố hình ảnh "cường quốc thế giới" của Ấn Độ.
"Với Ấn Độ, việc hợp tác với các quốc gia, đối tác để thúc đẩy lợi ích cốt lõi của mình là rất quan trọng, nhằm đảm bảo chủ quyền, tăng trưởng kinh tế cũng như năng lực quân sự của họ", chuyên gia Karthik Nachiappan nói. "Việc hợp tác với Nga, với Ukraine và cả với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, giúp thúc đẩy những lợi ích đó".
Vũ Hoàng (Theo AP, CNA, AFP, Reuters)