Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 10/2 rằng nCoV sẽ biến mất vào tháng 4 và sức nóng sẽ tiêu diệt loại virus này. "Tôi đã có cuộc nói chuyện rất lâu với Chủ tịch Tập Cận Bình hai hôm trước. Ông ấy tự tin rằng vào tháng 4, thời tiết nóng lên sẽ tiêu diệt loại virus này. Đó là một tín hiệu tốt", Trump chia sẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế chưa đưa ra kết luận chắc chắn nCoV có giảm lây nhiễm trong thời tiết nóng hay không.
"Đó chỉ là suy đoán bởi đây là loại virus mới và chúng ta chưa biết nhiều về nó", Peter Hotez, giáo sư kiêm hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới thuộc Đại học Y Baylor tại Houston, Mỹ, cho biết.
nCoV xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối năm ngoái, thuộc họ virus corona thường gặp ở người và động vật. Một số chủng virus corona tuần hoàn trong dân số và gây bệnh hô hấp nhẹ như cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, giống như virus gây dịch SARS và MERS, nCoV chưa từng được bắt gặp ở người trước đây.
"Các virus corona có tính mùa vụ", Amesh Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Trung tâm An ninh Y tế, Đại học Johns Hopkins, cho biết. "Vài điều kiện môi trường thuận lợi cho sự lây lan của virus như thời tiết lạnh và độ ẩm. Có lý do hợp lý để tin rằng nCoV tồn tại theo mùa".
Theo Adalja, Trái Đất có hai bán cầu với các mùa trái ngược nhau. Vũ Hán, tâm dịch ở Trung Quốc, hiện có nhiệt độ khoảng 17 - 18 độ C và mức nhiệt sẽ nhích dần trong tháng 3. Adalja nhấn mạnh giới nghiên cứu có thể mất nhiều năm để tìm hiểu chính xác tính mùa vụ đóng góp như thế nào vào khả năng lây nhiễm của nCoV.
Tại sao virus lây lan hiệu quả hơn trong điều kiện nào đó vẫn là vấn đề cần nghiên cứu. Marc Lipsitch, giáo sư dịch tễ học ở Havard cho biết các giả thuyết lý giải tại sao mùa nóng thường làm giảm sự lây lan virus bao gồm lượng vitamin D cao hơn kéo theo phản ứng miễn dịch tốt hơn, độ ẩm cao cản trở virus truyền nhiễm, học sinh được nghỉ hè (khi học sinh tập trung đông, tốc độ lây nhiễm của cúm thường và bệnh sởi tăng lên). Theo Lipsitch, giới nghiên cứu vẫn đang tìm cách hiểu rõ hơn diễn biến theo mùa của virus corona.
Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm và Chính sách ở Đại học Minnesota, cho rằng còn quá sớm để kết luận thời tiết nóng tác động tới tốc độ lây lan của virus corona. "Nhiều người mặc định như vậy bởi dịch SARS kết thúc vào mùa hè. Chúng tôi không biết đó có phải sự trùng hợp hay không. Có lẽ đó chỉ tình cờ là thời gian kiểm soát được dịch", Osterholm nói.
Trong một bài báo năm 2004 trên tạp chí Lancet về tính mùa vụ và dịch SARS, nhà nghiên cứu Scott Dowell và Mei Shang Ho chỉ ra mối liên hệ giữa chưa rõ ràng. Theo họ, những bệnh truyền nhiễm mới như Ebola xảy ra theo mô hình rất khó dự đoán.
Osterholm nêu ví dụ dịch MERS, một bệnh do virus corona xảy ra ở người năm 2012, không tuân theo mùa. "Các ca nhiễm MERS tiếp diễn khi nhiệt độ ở mức 43 độ C tại bán đảo Arab. Đỉnh của virus rơi vào giữa mùa hè", Osterholm nói.
An Khang (Theo Fortune/NPR)