Tối 31/1, Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ Y tế khẩn trương có ý kiến trước việc nhiều người lo ngại việc sử dụng máy đo nồng độ cồn trong khí thở với người tham gia giao thông có làm lây bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là virus corona hay không?
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Cục phó Quản lý Khám, chữa bệnh, khẳng định không chỉ trong thời điểm có dịch virus corona mà kể cả khi không có dịch thì về nguyên tắc các máy đo nồng độ cồn có thể dùng chung, nhưng ống thổi đều phải dùng một lần.
"Ống thổi nồng độ cồn phải dùng một lần để tránh lây nhiễm bệnh truyền nhiễm có liên quan đến hô hấp, tiêu hóa, trong đó có virus corona", ông Khoa nói.
PGS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, theo nghiên cứu khoa học, từng loại bệnh truyền nhiễm có mức độ lây khác nhau. Bệnh sởi có mức độ lây cao nhất, sau đó đến thủy đậu, cúm...
"Các nhà sản xuất thường đưa ra khuyến cáo dùng ống thổi nồng độ cồn một lần, để đảm bảo không lây nhiễm bệnh dịch. Vì vậy, người dân không nên lo lắng", ông Cường nói.
Việc đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông đang được triển khai trên toàn quốc. Theo Nghị định 100/2019, từ ngày 1/1 mức xử phạt đối với người vi phạm đi xe đạp lên tới 800.000 đồng; người đi xe máy 8 triệu đồng và tài xế ôtô 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Trung Quốc hôm nay thông báo số người chết do nCoV tăng lên 259, số người mắc lên 11.943. Tổ chức Y tế Thế giới ngày 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch nCoV đã lan đến 27 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, 6 người ở Khánh Hòa, Thanh Hóa và Hà Nội mắc bệnh; 93 người nghi nhiễm trong đó 28 người phải cách ly. Thủ tướng hôm nay công bố dịch nCoV.