Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng dẫn đầu liên minh vũ trang do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chống chính phủ Syria, ngày 8/12 tiến vào kiểm soát thủ đô Damascus, chấm dứt 24 năm cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Biến cố này là bước ngoặt trong cuộc nội chiến kéo dài ở Syria, hoàn thành tâm nguyện trong nhiều năm qua của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là lật đổ chế độ Assad được Nga và Iran hậu thuẫn, thể hiện ảnh hưởng ngày càng lớn của Ankara trong khu vực.
"Kết quả này rõ ràng là bước lùi đáng kể với Nga và Iran. Bên hưởng lợi nhiều nhất dường như là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia hậu thuẫn một số lực lượng đối lập ở Syria", Bronwen Maddox, giám đốc điều hành viện chính sách Chatham House, trụ sở Anh, nhận định.
Giới quan sát cho rằng diễn biến sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng đáng kể quyền lực mềm tại khu vực, trong lúc Nga đang bận rộn với cuộc chiến ở Ukraine, còn nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon và Iran dành nguồn lực đối phó Israel. Mỹ cũng đang trong quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền Donald Trump, người đã tuyên bố rằng Washington "không nên dính líu đến xung đột Syria".
Thổ Nhĩ Kỳ có biên giới chung hơn 900 km với Syria và quan hệ giữa ông Erdogan với ông Assad từng rất tốt đẹp trong những năm 2000. Tuy nhiên, khi phong trào "Mùa xuân Arab" bùng phát tại Syria tháng 3/2011, ông Erdogan đã khuyên Tổng thống Assad từ chức theo yêu cầu của người biểu tình.
Ông Assad đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất này và trấn áp mạnh tay phong trào nổi dậy, châm ngòi cho cuộc nội chiến đẫm máu, đồng thời khiến quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi nhanh chóng.
Tổng thống Erdogan công khai tuyên bố ủng hộ các nhóm đối lập lật đổ ông Assad, trong đó có HTS và Quân đội Quốc gia Syria (SNA). Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đã dồn nhiều nguồn lực đào tạo, cung cấp tài chính, vũ khí cho các nhóm nổi dậy, giúp họ giành lợi thế trước quân đội chính phủ Syria và có lúc áp sát thủ đô Damascus.
Vào thời điểm nguy cấp đó, Nga đã mở chiến dịch quân sự ở Syria, tăng cường ném bom hỗ trợ quân đội nước này thay đổi tình thế. Với sự giúp đỡ của Nga và Iran, từ năm 2015, chính quyền Assad giành lợi thế trước phe đối lập, liên tục chiếm lại các thành phố chiến lược và đẩy các nhóm vũ trang lên phía bắc giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ lúc này phải tập trung nguồn lực đối phó Các đơn vị bảo vệ người dân người Kurd (YPG) ở miền bắc Syria. Ankara đã đứng ra đàm phán với Moskva để bảo vệ các nhóm vũ trang mà họ hậu thuẫn, trong đó có HTS, giữ được chỗ đứng chân ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria, trước đà tiến của quân đội chính phủ.
Sau nhiều năm chờ đợi và tích lũy lực lượng, nhận thấy thời cơ đã đến, HTS cùng các nhóm liên minh cuối tháng 11 mở chiến dịch tấn công thăm dò vào Tal Rifaat, phía bắc Aleppo. Họ không ngờ động thái lại khiến quân đội chính phủ bộc lộ yếu kém, nhanh chóng rút lui, khiến họ giành được thành phố lớn thứ hai Syria chỉ sau vài ngày giao tranh. Từ Aleppo, phe nổi dậy nhanh chóng tiến quân về Damascus và chỉ trong 11 ngày, ông Assad đã bị lật đổ.
"Ảnh hưởng từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bộc lộ rõ ràng ngay từ đầu", Khaled Khoja, cựu chủ tịch Liên minh quốc gia các lực lượng đối lập Syria, nói với Middle East Eye. Theo ông Khoja, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ "mang tính then chốt" trong chiến dịch tấn công của HTS.
"Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia bên ngoài hưởng lợi lớn nhất trong cục diện hiện nay. Ông Erdogan đã chọn đúng phe vì các lực lượng mà Ankara đã dồn công sức, tiền của để hậu thuẫn ở Syria đã thắng cuộc", Birol Baskan, nhà khoa học chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, nói.
Jamie Dettmer, nhà bình luận chính trị của Politico, có chung nhận định. Ông Dettmer thêm rằng giờ đây, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang có cơ hội để đạt một số mục tiêu chiến lược nhằm gia tăng đáng kể tầm ảnh hưởng ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung.
Theo viện chính sách Atlantic Council, trụ sở Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua đã tiếp nhận hàng triệu người Syria chạy sang nước này tị nạn, làm dấy lên căng thẳng và phản đối ngày càng lớn trong nước.
Tổng thống Erdogan đã nhiều lần thúc giục chính phủ Syria nhận lại người tị nạn nhưng không được hồi đáp. Do đó, thay đổi cục diện ở Syria, ổn định tình hình để những người tị nạn hồi hương là giải pháp phù hợp và triệt để giúp Thổ Nhĩ Kỳ xử lý vấn đề hóc búa này.
Khi lực lượng đồng minh kiểm soát Syria, Ankara giờ đây cũng rộng đường hơn để đối phó YPG, thông qua các chiến dịch tấn công trực tiếp hoặc hậu thuẫn SNA tăng sức ép quân sự với nhóm dân quân đang kiểm soát vùng đất rộng lớn ở đông bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thêm đòn bẩy đáng kể về mặt ngoại giao, sử dụng tình hình Syria hiện tại để thương lượng hiệu quả hơn với Nga và Iran, thậm chí là chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã thắng lớn trong nước cờ thiên tài của ông Erdogan", kinh tế gia Timothy Ash của viện Chatham House nhận định.
Ở chiều ngược lại, chính phủ Assad sụp đổ làm suy yếu đáng kể vị thế của Nga cũng như Iran ở Trung Đông, hai quốc gia là bên bảo trợ chính cho Syria nhiều năm qua. "Đây là sự thay đổi thế cân bằng ở toàn bộ khu vực Trung Đông", một quan chức Mỹ cấp cao nói.
"Hezbollah, Iran bị ảnh hưởng vì chiến sự với Israel, Nga đã chuyển bớt lực lượng ở Syria cho chiến sự Ukraine. Không còn đồng minh nào có thể ủng hộ ông Assad mạnh mẽ như trước, khiến quân đội chính phủ Syria suy yếu", theo nhà nghiên cứu Christopher Philips của viện Chatham House.
Ozgur Unluhisarcikli, giám đốc viện chính sách German Marshall Fund, trụ sở ở Ankara, nhận định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có tiếng nói đáng kể trong chính quyền mới tại Syria.
"Các cuộc thảo luận để định đoạt tương lai Syria sẽ diễn ra. Nhưng không riêng Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và những nước Trung Đông đóng góp tài chính để tái thiết Syria cũng sẽ tác động đến chính quyền mới của quốc gia này", ông Unluhisarcikli nói với AP.
Dù vậy, Gonul Tol, giám đốc Chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Trung Đông, trụ sở Mỹ, cho rằng tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể tiềm ẩn những rủi ro nhất định, bởi HTS nổi tiếng là nhóm vũ trang theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, muốn hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài đối với Syria.
"HTS là một biến số bất kham và có thể có những tính toán riêng. Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự muốn một tổ chức vũ trang như vậy điều hành đất nước láng giềng?", bà Tol đặt câu hỏi.
Như Tâm (Theo AP, Middle East Eye, Politico)