"Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò trung gian trong vấn đề nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, tương tự thỏa thuận ngũ cốc", Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm nay sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Điện Kremlin sau đó ra thông cáo nói rằng ông Erdogan đánh giá Nga giữ "vai trò mang tính xây dựng" trong chuyến thăm của phái đoàn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hôm 1/9.
Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí về mong muốn mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế song phương, trong đó có xúc tiến một số dự án hợp tác năng lượng chiến lược.
Tổng thống Erdogan và người đồng cấp Putin nhất trí tiếp tục trao đổi thêm về các vấn đề hai nước cùng quan tâm bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong ngày 15-16/9.
Ankara đang duy trì quan hệ hợp tác với cả Moskva và Kiev. Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại quan trọng của Nga giữa bối cảnh nước này bị phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhà cung cấp máy bay không người lái (UAV) hàng đầu cho Ukraine, tác động đáng kể đến cục diện chiến trường nửa năm qua.
Thỏa thuận đảm bảo vận chuyển an toàn ngũ cốc qua Biển Đen được Moskva và Kiev ký hồi tháng 7 đã giải vây hơn 20 triệu tấn ngũ cốc ở Ukraine. Nga cũng được đảm bảo không bị cản trở xuất khẩu nông sản và phân bón. Thổ Nhĩ Kỳ cùng Liên Hợp Quốc giữ vai trò trung gian đàm phán, thuyết phục Nga và Ukraine hạ nhiệt trên Biển Đen để giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Tổng thống Erdogan tháng trước cảnh báo nguy cơ thảm họa hạt nhân vì căng thẳng leo thang ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Lực lượng Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine từ hồi tháng 3, nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy này có 6 lò phản ứng lớn, có khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình. Hiện hai trong số 6 lò phản ứng của cơ sở vẫn hoạt động, 4 lò còn lại đã bị ngừng chạy vì nguy cơ an ninh.
Nhiều cuộc pháo kích gần đây xảy ra quanh khu vực nhà máy Zaporizhzhia, làm dấy lên lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau gây ra những vụ tấn công này.
Các thanh sát viên IAEA do Tổng giám đốc Rafael Grossi dẫn đầu tới nhà máy ngày 1/9. Chuyến thăm được thông báo đã kết thúc vào ngày 2/9. Phía Nga sau đó khẳng định hai thanh sát viên IAEA sẽ ứng trực tại nhà máy, trong khi IAEA chưa lên tiếng xác nhận kế hoạch chi tiết sắp tới.
Thanh Danh (Theo AFP)