Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngày 17/2 tiếp Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Haldun Tekneci và trao thư thăm hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Trong buổi tiếp, Đại sứ Tekneci cho biết việc Việt Nam lần đầu tiên cử đoàn cứu hộ, cứu nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ và viện trợ khẩn cấp 100.000 USD để khắc phục hậu quả thảm họa động đất "là minh chứng cho quan hệ hữu nghị, hợp tác và tinh thần tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn của hai nước".
Ông Tekneci nói chính phủ cùng nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ xúc động trước tình cảm và hỗ trợ của Việt Nam. Đại sứ khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam và sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị các cơ quan Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ và công dân Việt Nam tại nước này. Bộ trưởng cũng cho biết Việt Nam sẵn sàng tham gia vào công cuộc tái thiết các vùng bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, đại diện Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và đoàn cứu hộ tới thăm hỏi một gia đình người Việt ở Adiyaman. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn, góp phần vào nỗ lực giúp hai nước khắc phục hậu quả động đất.
Trận động đất mạnh 7,8 độ ngày 6/2 khiến gần 44.000 người thiệt mạng, trong đó hơn 38.000 nạn nhân ở 11 tỉnh miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và 5.800 người ở Syria. Hàng nghìn nạn nhân vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Liên Hợp Quốc ngày 16/2 kêu gọi quyên góp 1 tỷ USD để giúp nạn nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, hai ngày sau khi kêu gọi quyên góp 400 triệu USD hỗ trợ Syria. Ngân hàng JPMorgan của Mỹ ước tính thiệt hại trực tiếp đối với các hạ tầng bị phá hủy ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể lên đến 25 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP nước này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 14/2 gửi thư thăm hỏi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, thông báo Việt Nam hỗ trợ mỗi nước 100.000 USD khắc phục hậu quả động đất. Việt Nam cũng đã cử hai đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo.
Nguyễn Tiến