TS. Lê Thị Thu Hương và cộng sự, chương trình thạc sĩ Phát triển Đô thị Bền vững, khoa Kỹ thuật, Đại học Việt Đức đưa ra đề xuất trong đề tài nghiên cứu đề xuất các mô hình nhà ở nhằm giảm thiểu tác động của ngập lụt tại TP HCM, trong đó chọn quận 8 là nghiên cứu điển hình.
Nhóm nghiên cứu khảo sát thực tế tại các phường 12, 13, 14, 15, 16 thuộc quận 8 diện tích hơn 415 ha với 7 trục đường chính quanh khu vực kênh Đôi, kênh Tàu Hủ và rạch Ruột Ngựa. Theo dữ liệu bản đồ ngập ở TP HCM, khu vực này là một trong những nơi bị ngập nặng nhất do mưa và triều cường với mức ngập từ 0,2 m đến 0,4 m. Kết quả khảo sát 107 hộ dân phường 16, hơn một nửa hộ dân dùng các giải pháp chống ngập tạm bợ như nâng nền, làm tường chắn nước, đặt máy bơm, bao cát...
Việc nâng nền và nâng đường của người dân được coi như là "cuộc đua". Khi mặt đường được nâng cao cùng với việc nâng cấp hệ thống thoát nước để giảm ngập cho khu vực. Khi đó nền nhà thấp hơn sẽ bị nước tràn vào, vì thế buộc người dân nâng nền nhà cho cao hơn đường và nhiều gia đình nâng nền nhiều lần, có lần nâng tới nửa mét khiến căn nhà bị sai khác về cấu trúc, chiều cao và kết cấu cửa, cao độ thông thủy của không gian sử dụng trong nhà. Việc bất cập giữa nâng đường, nâng nhà, mỗi nhà mỗi khác... gây ra tình trạng nhấp nhô không đồng bộ mất mỹ quan nơi ở.
Từ thực tế này, nhóm nghiên cứu đề xuất hai phương án làm mới và cải tạo ngôi nhà. Với những khu vực bị ngập nhẹ, nhà sẽ được nâng khoảng 0.5 m ở phòng khách với thiết kế các bậc tam cấp. Phần vỉa hè và sân tiếp giáp phòng khách được thiết kế cho nước vào.
Trường hợp nhà có đất trống thì được đề xuất giữ nền đất tự nhiên, trồng cây xanh và tạo hồ chứa nước trong khuôn viên để giảm nước chảy tràn gây ngập. Phần nhà bếp phía sau phòng khách cũng như các phòng ngủ ở tầng trên được thiết kế bình thường, phía sau nhà là tường chắn nước. Mái nhà sẽ được tạo không gian thu, trữ nước mưa để giảm quá trình chảy tràn của nước gây ngập cho khu vực. Khảo sát cho thấy 67% người dân đồng ý phương pháp này vì dễ thực hiện.
"Nhiều người nghĩ việc thu trữ nước mưa sẽ không hiệu quả và có thể gây tác động xấu đến cấu trúc nhà, nhưng nếu cả một khu dân cư nhà nào cũng thu trữ nước mưa để giảm lưu lượng nước chảy thì hiệu quả sẽ khác", TS Hương nói.
Đối với nhà bị ngập nặng hơn, nhóm đề xuất cho nổi hoàn toàn. Trong mô hình này, nền nhà đặt trên hố móng khô, sàn cố định trên hệ thống bơm piston thủy lực, khi nước tràn qua sân, vào khe giữa cửa và hố móng, nước sẽ tràn vào hồ chứa nước và được bơm qua máy bơm. Hệ thống máy bơm này sẽ đẩy sàn nhà nâng lên để tránh bị ngập. Lực đẩy của piston thủy lực kết hợp với hệ thống khung cột nhà được thiết kế phù hợp cho việc nâng hạ ngôi nhà sẽ là giải pháp để ngôi nhà nổi trên mặt nước.
Phạm vi của nghiên cứu hiện chưa tính đến các yếu tố kỹ thuật để tính toán được áp lực nước, độ nặng của sàn để xác định công suất bơm lên thế nào đủ để nâng sàn nhà lên cao. Song, kết quả khảo sát cho thấy có đến 78% số người dân được hỏi ủng hộ phương án này và bày tỏ mối quan tâm về vấn đề chi phí. Người dân cũng cho rằng cần phải có nghiên cứu khả thi và cung cấp hồ sơ hướng dẫn thi công cụ thể hơn.
Về phương án cải tạo ngôi nhà giảm tác động của ngập, nhóm đề xuất giải pháp gia cố cột bằng kỹ thuật gia cường bọc ngoài, sử dụng vật liệu chống thấm như bêtông, bêtông cốt thép, thép hình, tấm sợi gia cố polymer (Fiber Reinforced Polymer - FRP); ốp chân tường bằng gạch hay đá chống thấm, để bảo vệ ngôi nhà.
Các gia đình cũng có thể lắp các cửa ngăn nước với bản lề tự động, phao tự động đẩy nâng cửa, hoặc tháo lắp thủ công để khi nước dâng đến đâu thì cửa sẽ đóng hoặc nâng cao thêm tới đó. Nếu nhà có không gian trống, tạo hồ chứa nước và tăng bề mặt thẩm thấu trong khuôn viên nhà thông qua các giải pháp cảnh quan cũng là một đề xuất nhằm làm chậm quá trình ngập cục bộ.
"Trong phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu chỉ đưa ra các phương án giảm tác động của ngập bằng các giải pháp được cho là phù hợp, khả năng thực hiện cao, chưa tính đến chi phí đầu tư", TS Hương nói và cho biết, các giải pháp này không kỳ vọng hết ngập mà chỉ giảm tác động của ngập đến người dân, giúp họ tiếp tục sinh kế bền vững. Bởi muốn hết ngập thì cần có giải pháp tổng thể về quy hoạch, xây dựng, cải tạo hạ tầng khu vực đó, cũng như tăng cường nhận thức của người dân trong việc sử dụng hạ tầng thoát nước đô thị.
Đề tài đang được tiếp tục đề xuất mở rộng nghiên cứu mang tính dài hơi hơn ở quy mô khu dân cư lớn gắn vào hiện trạng ngập và các dự án chống ngập của thành phố để đề xuất giải pháp căn cơ hơn cho TP HCM.
Hà An