Với tốc độ tăng trưởng nhanh những năm qua, Việt Nam trở thành một trong những ứng viên được Mitsubishi Nhật Bản cân nhắc để ra mắt chiếc XFC concept cho toàn cầu (World Premiere), và rồi được lựa chọn là "người chiến thắng". Tất cả các nơi đều muốn mẫu SUV cỡ B sắp được thương mại hoá sẽ ra mắt ở thị trường nước mình. Không chỉ chỉ vì hiệu ứng của nó tạo ra trước công chúng, mà còn là vị thế của thị trường ấy có thể được khẳng định và coi trọng hơn.
Triển vọng thị trường và những cam kết ấn tượng hơn đã giúp Việt Nam giành lấy cơ hội lần đầu tiên được chọn làm nơi tổ chức một sự kiện ra mắt toàn cầu mẫu xe mới. Sự kiện chưa từng có tiền lệ này tuy của chỉ riêng một hãng xe nhưng cũng phản ánh vị thế của thị trường Việt Nam nhiều năm qua và có thể là những chuyển biến trong tương lai gần.
"Tiếng nói" của doanh số
Vios là mẫu xe bán chạy hàng chục năm qua tại thị trường Việt Nam nhưng Toyota chưa một lần chọn nơi đây làm nơi ra mắt thế hệ mới của sản phẩm này. Thay vào đó là thị trường trọng điểm của hãng Nhật tại Thái Lan, xét riêng ở khu vực Đông Nam Á.
Không nước nào trong khu vực ASEAN bán nhiều Ranger như Việt Nam. Nhưng khách Việt đợi 1-2 năm để có thể tiếp cận thế hệ mới hoặc bản nâng cấp của mẫu xe này so với các thị trường quốc tế.
Gần đây nhất, chiếc Elantra của Hyundai, hãng bán nhiều xe thứ hai tại Việt Nam sau Toyota, ra mắt trong tháng 10/2022. Nhưng trước đó, xe đã có mặt trên các thị trường quốc tế từ tháng 3/2020.
Xe mới ra mắt lần đầu ở Việt Nam không có. Với xe concept, sản phẩm mang tính trình diễn công nghệ, đo lường phản ứng của khách hàng trước khi được thương mại hoá, lại càng không. Đến như triển lãm ôtô, nơi để công chúng chờ đón những bất ngờ lần đầu xuất hiện, cũng chưa có hãng ngoại quốc nào mang xe hoàn toàn mới đến để trưng bày tại sự kiện tương tự ở Việt Nam. Triển lãm ôtô Việt Nam 2022 diễn ra trong ít ngày tới cũng không có mẫu xe nào "hoàn toàn mới" lần đầu có mặt trên thế giới. Nếu muốn tìm điều này, khách Việt có thể tìm đến những triển lãm như BMS (Thái Lan), IIMS (Indonesia).
Dung lượng xe mới bán ra mỗi năm của Việt Nam khoảng gần 400.000 xe, đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á. Những thị trường xếp trên như Malaysia hơn 600.000 xe và Indonesia, Thái Lan đều trên 1 triệu xe. Doanh số tiêu thụ còn khiêm tốn gần như là yếu tố chính khiến thị trường Việt ít được xem trọng trong thứ tự ưu tiên. Vì thế, chuyện ra mắt xe mới tại Việt Nam nhưng chậm so với các nước trong khu vực hoặc những thị trường lớn khác trên thế giới 2-3 năm, là điều bình thường.
Vốn nhỏ khi chỉ xét trong khu vực ASEAN, nếu mở rộng lên tầm quốc tế, sức ảnh hưởng của thị trường Việt Nam lại càng nhỏ. Ví dụ tiêu biểu cho điều này có thể kể đến Hyundai và Kia. Hai thương hiệu Hàn Quốc bán nhiều xe ở Việt Nam hơn bất kì quốc gia nào khác trong khu vực nhưng vẫn chưa là gì với những thị trường lớn khác.
Doanh số Kia và Hyundai năm 2021 tại Việt Nam khoảng 383.444 xe, nhiều gấp 4 lần tổng lượng tiêu thụ ở 5 quốc gia, gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore cộng lại. Nhưng dù vậy trong 5 năm qua, chưa có mẫu xe mới nào của hai hãng này trình làng tại Việt Nam trước tiên. Thay vào đó là những thị trường như lớn trên thế giới như Hàn Quốc quê nhà, Mỹ...
Vì sao Việt Nam được chọn?
"Để thị trường có được sự coi trọng lớn từ một hãng, hoặc là nơi đó đạt doanh số bán tốt, hoặc là bản thân thương hiệu ấy muốn mở rộng tầm ảnh hưởng khi xét thấy những cơ hội tiềm năng ở thị trường đó", một chuyên gia thuộc tiểu ban kỹ thuật xe con, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, VAMA, cho biết. Nếu chiếu theo nhận định của vị chuyên gia này, Việt Nam có cả hai điều kiện để thuyết phục Mitsubishi Motors chọn là nơi ra mắt sản phẩm toàn cầu của mẫu concept SUV cỡ B này. Tức là, dải đất cữ S không còn là vùng trũng doanh số, mà dần nâng tầm.
Câu chuyện doanh số của Mitsubishi chia làm hai nửa, trước và sau khi Xpander xuất hiện vào 2018. Mẫu MPV bán chạy số một tại Việt Nam đưa vị thế Mitsubishi từ một thương hiệu làng nhàng trước 2018 vào top 4 những hãng bán chạy nhất Việt Nam, xếp sau các hãng như Toyota, Hyundai, Kia.
Năm 2017, hãng Nhật bán 6.672 xe, con số tăng 54%, lên 10.278 xe trong 2018. Hàng chục nghìn người trở thành chủ nhân của Xpander giúp doanh số Mitsubishi lần đầu vượt ngưỡng 30.000 xe. Hai năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng bán của hãng Nhật đều trên 27.000 xe. Xpander không chỉ là gà đẻ trứng vàng (đóng góp hơn 50% doanh số) của Mitsubishi mà còn khiến Việt Nam được hãng mẹ chú ý hơn bởi mẫu MPV bán ở đây nhiều chỉ sau Indonesia, thị trường với doanh số xe mới hàng năm lớn nhất ASEAN.
Trong hơn 4 năm trở lại đây, nhờ Xpander và ngôn ngữ Dynamic Shield, logo ba lá sồi của Mitsubishi tại Việt Nam trở nên phổ biến hơn thay vì chủ yếu xuất hiện trên những chiếc máy điều hoà, thang máy. Còn trên truyền thông, Mitsubishi không còn xuất hiện trong những bảng xếp hạng top xe bán chậm, thay vào đó là top xe bán chạy, thậm chí chạy nhất.
Sự thành công của Xpander đến rất đúng thời điểm khi Mitsubishi thay đổi chiến lược kinh doanh từ thượng tầng. Năm 2020, hãng Nhật bắt đầu xem xét lại năng lực cạnh tranh và sự hiện diện của mình ở các thị trường trọng điểm. Kế hoạch trước đây của Mitsubishi là "Đi để phát triển", coi Bắc Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường hàng đầu như hầu hết đối thủ khác. Nhưng chiến lược mới của hãng là "Lựa chọn và Tập trung".
Nhằm tránh giẫm chân lên các đối tác trong liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi, Nissan sẽ tập trung cạnh tranh tại Mỹ và Trung Quốc, trong khi Renault đảm trách khu vực châu Âu. ASEAN và châu Đại Dương là mục tiêu chiến lược của Mitsubishi. Thậm chí năm 2021, Mitsubishi nói sẽ dừng phát triển nền tảng ôtô cho thị trường Nhật và sử dụng kết cấu của Nissan từ 2026. Thay vào đó, hãng tập trung cho thị trường ASEAN, động thái chưa có tiền lệ đối với một hãng Nhật.
Với thị trường hơn 97 triệu dân như Việt Nam, tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu ASEAN là lý do quan trọng để hãng Nhật dành sự chú ý nhiều hơn sau hai thị trường quan trọng: Indonesia và Thái Lan. Bản thân hãng cũng muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ở Việt Nam nhằm tận dụng hiệu ứng tốt từ chiếc Xpander mang lại.
"Chúng tôi chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên ra mắt mẫu concept XFC vì nhu cầu xe SUV cỡ nhỏ tại đây đang tăng cao", ông Ryoichi Inaba, Tổng trưởng phòng phụ trách khu vực ASEAN – Bộ phận kinh doanh Mitsubishi Motors (MMC), nói với VnExpress. "Đông Nam Á là một khu vực chiến lược của MMC. Vì thế, khi XFC được thương mại hoá, chúng tôi kì vọng mở rộng năng lực cạnh tranh tại nơi đây cũng như mục tiêu tăng trưởng doanh số bán hàng ở Việt Nam".
Sau Xpander, bản thương mại của chiếc XFC concept có thể xem là một niềm hy vọng mới của Mitsubishi ở phân khúc SUV cỡ nhỏ đang sôi động nhất tại Việt Nam. Toyota có Raize, Corolla Cross, Hyundai có Creta, Kia có Sonet, Seltos, Honda có HR-V, Mazda có CX-3, CX-30, VinFast có VF e34...
Bản sản xuất của XFC concept phát triển dựa trên nghiên cứu thói quen tiêu dùng khách hàng ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng. Việc "đo ni đóng giày" cho khách hàng trong khu vực cũng mở ra triển vọng thành công hơn cho mẫu xe này khi đi vào sản xuất hàng loạt.
Thông thường, một mẫu xe concept mất vài năm để thương mại hóa và bán ra thị trường. Nhưng động thái cho khách Việt đặt hàng tại các đại lý từ 26/10 và hứa hẹn trình làng bản sản xuất trong năm tài chính 2023 (tháng 4/2023-3/2024) cho thấy sự tự tin của hãng xe Nhật về một sản phẩm mới triển vọng. Tuy vậy, với một thị trường đang lên như Việt Nam, nơi khách hàng thay đổi gu sử dụng ôtô rất nhanh, thì một lần ra mắt sản phẩm toàn cầu tại đây chưa thể đảm bảo cho một tương lai ổn định. Mitsubishi, hay bất cứ hãng nào khác, cần nhiều lần "World Premiere" hơn nữa, để cho thấy sức nặng của thị trường, và sự cầu thị của nhà sản xuất với khách hàng địa phương.
Thành Nhạn